Đà giảm yếu hơn dự báo của dự trữ dầu càng làm bức tranh giá dầu thêm phần ảm đạm, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1,351 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/8/2018, thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 2,3 triệu thùng của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của The Wall Street Journal. Ngoài ra, theo EIA, dự trữ xăng tăng 2,9 triệu thùng trong tuần trước, còn nguồn cung các sản phẩm chưng cất tăng 1,2 triệu thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex giảm 2.23 USD (tương ứng 3,2%) xuống 66,94 USD/thùng, sau khi tăng lên mức 69,17 USD/thùng trong ngày thứ Ba, cao nhất kể từ ngày 30/7/2018.
Diễn biến ngày thứ Tư (8/8) cũng đẩy giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/6/2018 và là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/7/2018, dữ liệu của FactSet cho thấy.
Nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1,351 triệu thùng. |
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 2,37 USD (tương ứng 3,2%) xuống 72,28 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 17/7/2018 và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/7/2018, dựa trên dữ liệu từ Dow Jones Market Data.
Trong khi đó, dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc thể hiện rõ sự suy giảm liên tục về nhu cầu nhập khẩu nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất, qua đó làm dấy lên câu hỏi về khả năng tăng giá của dầu.
Nguồn tin Reuters ghi nhận rằng, kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm trong năm 2018 vì sự suy giảm nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập có quy mô nhỏ hơn của đất nước này.
Các thị trường toàn cầu cũng đang dõi mắt theo cuộc chiến thương mại ngày một “nóng” hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc muốn thay thế dầu thô Mỹ với các loại dầu khác trước khi các hàng rào thuế quan có hiệu lực.
VH (Theo CNBC)