Không chỉ đúng thời hạn đề ra, Síp còn lập nên một dấu mốc đáng nhớ khi chỉ cần dùng khoảng 75% gói cứu trợ được phân bổ để đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu ngân sách của mình.
Thành công ngoài mong đợi
Tháng 3/2013, thời điểm đang ở trong “tâm bão” do hậu quả liên hoàn từ việc các ngân hàng phá sản, lỗ thủng thâm hụt ngân sách phình to trong khi không có khả năng tác động sâu vào thị trường tài chính, đảo Síp đã buộc phải cầu viện gói cứu trợ ước tính 10 tỷ Euro. Quốc đảo này cũng phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lan rộng hơn trước khi chờ đợi những bàn tay trợ giúp từ EU.
Tưởng chừng đó là khởi đầu cho những hệ lụy khó cứu vãn như tại Hy Lạp, thì bằng những nỗ lực của chính phủ trong việc phối hợp với các cơ quan tư vấn của EU, Síp không những vượt khó mà còn đạt được những thành tích đáng nể.
Quốc đảo này chỉ cần vay 6,3 tỷ Euro từ EU và 1 tỷ Euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải quyết cuộc khủng hoảng này, thấp hơn nhiều con số 10 tỷ Euro dự kiến ban đầu.
Tấm gương của đảo Síp cho thấy việc cải cách kinh tế nhằm đổi lấy việc cứu trợ tuy khó khăn nhưng thành quả đạt được là rất xứng đáng. Đảo Síp nhận được rất nhiều lời khen có cánh, cho những nỗ lực “tuyệt vời” trong việc mang nền kinh tế trở lại đúng hướng.
Bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành IMF, đánh giá kết quả đạt được chỉ trong vòng 3 năm là “rất ấn tượng”, tiêu biểu là nền tảng hệ thống ngân hàng trở nên vững chắc hơn, các khoản nợ xấu nhanh chóng được xử lý, các vị thế tài chính được khôi phục ổn định và nợ công giảm bền rõ nét.
Còn theo lời Bộ trưởng tài chính Hà Lan kiêm Chủ tịch các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Jeroen Dijsselbloem, đây là “một chiến dịch xuất sắc” và đảo Síp đã có thể tự huy động vốn sau cải cách giúp đảm bảo cho quốc gia này tăng trưởng bền vững.
![]() |
Síp đã nỗ lực “tuyệt vời” trong việc mang nền kinh tế trở lại đúng hướng
Vươn lên từ những khó khăn ban đầu
“Chiến dịch” giải cứu Síp là phản ứng của EU đối với một trong những chương đen tối nhất của eurozone khi rơi vào vũng lầy của cuộc khủng hoảng nợ và nguy cơ tan vỡ đồng tiền chung.
Gói cứu trợ dành cho quốc đảo gần như đã phá sản chỉ được thống nhất sau hai phiên họp thâu đêm đầy căng thẳng của các Bộ trưởng Tài chính EU cùng với IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Sau đó, mọi việc tưởng chừng lại đi vào ngõ cụt khi Quốc hội Síp không chấp nhận để cho người gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ phải chịu thiệt. May mắn thay, cuối cùng, tất cả các bên đều đạt được sự đồng thuận.
Thời điểm nói lời tạm biệt gói cứu trợ tài chính, đảo Síp mới chỉ sử dụng khoảng 7,5 trong tổng số 10 tỷ EUR dành cho mình. Nền kinh tế của quốc đảo này đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2015 và đang hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu ngân sách.
Phần cứu trợ của EU dự kiến đến cuối tháng này mới đóng lại, còn cứu trợ từ IMF sẽ kết thúc sớm hai tháng. Điều tiếc nuối duy nhất lúc này là có thể đảo Síp sẽ không nhận được khoản vay 275 triệu EUR, do thất bại trong việc triển khai một biện pháp tư hữu hóa cuối cùng các hệ thống viễn thông vì thiếu tỷ lệ ủng hộ trong quốc hội nước này.
Nhìn lại cả quá trình, Ủy viên kinh tế EU, ông Pierre Moscovici, cho biết đảo Síp nhận được nhiều lời khen ngợi với những thành tựu đã đạt được và cho dù vẫn còn nhiều thách thức lớn đang chờ đợi phía trước thì châu Âu vẫn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ.
Đảo Síp là quốc gia thứ tư sau Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kết thúc gói cứu trợ dành cho các nước gặp khủng hoảng thuộc khu vực đồng tiền chung Euro. Điều đó đồng nghĩa, Hy Lạp là quốc gia duy nhất còn lại trong khối vẫn còn phải áp dụng chương trình giải cứu tài chính.
Hùng Anh