Trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đã buộc phải nhanh chóng đẩy nhanh các kế hoạch nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn của châu Âu vào năng lượng của Nga. Nghị viện châu Âu hiện đã kêu gọi cấm vận ngay lập tức và toàn bộ đối với dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga.
Ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng
Tuy nhiên, sự cấm vận này đã phải trả giá cho nền kinh tế châu Âu, đẩy lạm phát vốn đã cao lên mức kỷ lục và đe dọa sự phục hồi sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế đang cố gắng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo Ủy ban châu Âu (EC) trong năm 2020, hầu như tất cả các nền kinh tế châu Âu đều sụt giảm lịch sử do đại dịch COVID-19, như Tây Ban Nha tăng trưởng âm 10,8%, Pháp âm 8%, Italy âm 8,9%, Đức âm 4,9%.
![]() |
Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tham dự một cuộc họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: CNBC |
Do đó, mức tăng trưởng của năm 2021 chỉ được xem như là sự phục hồi quy mô kinh tế như trước đại dịch COVID-19.
Dự báo trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng của các nước châu Âu cũng sẽ chậm lại, sau khi đà phục hồi được thiết lập ổn định.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu, tăng trưởng 2022 của khu vực Eurozone dự kiến vào khoảng 4,3%, trong đó, Tây Ban Nha đặt mục tiêu tăng cao nhất là 7%, Italia dự kiến tăng 5% trong khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, chỉ đặt mục tiêu tăng GDP 2022 từ 3,6 đến 4%.
Tuy nhiên, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô Toàn cầu của ING, Carsten Brzeski, lưu ý rằng châu Âu đặc biệt có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh quốc tế do hậu quả của chiến tranh.
Đối với châu Âu, chiến tranh đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế ở lục địa già, đặc biệt có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh quốc tế do hậu quả của chiến tranh. Chiến tranh là yếu tố thay đổi mạnh mẽ hơn là đại dịch từng xảy ra. Tôi không chỉ nói về các chính sách an ninh và quốc phòng mà còn là về toàn bộ nền kinh tế.
"Khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện đang trải qua những mặt trái của mô hình kinh tế cơ bản của nó, đó là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu với xương sống công nghiệp lớn và phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng. Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và quá trình chuyển đổi kinh tế quan trọng. Cuộc chiến đang diễn ra trong ‘ổ bánh mì’ của châu Âu, một khu vực sản xuất ngũ cốc và ngô chủ chốt. Giá lương thực sẽ tăng cao chưa từng thấy. Lạm phát cao hơn ở các nền kinh tế phát triển có thể là vấn đề sinh tử ở các nền kinh tế đang phát triển ”. Brzeski chia sẻ.
Brzeski kết luận rằng thị trường tài chính đã “sai lầm” khi chứng khoán châu Âu cố gắng tăng cao hơn trong tuần, thêm vào đó “Châu Âu sẽ không có sự quay trở lại bình thường ngay lúc này”.
Tính bền vững trong phục hồi kinh tế
Nhà kinh tế cấp cao tại Châu Âu của BNP Paribas, Spyros Andreopoulos cho biết, lạm phát thấp trong suốt lịch sử gần đây của khu vực đồng euro có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không bao giờ bị buộc phải lựa chọn giữa bền vững tài khóa và theo đuổi mục tiêu lạm phát của mình, vì lạm phát thấp đòi hỏi chính sách tiền tệ phải thích ứng trong việc hỗ trợ tính bền vững tài khóa.
Về mặt chính trị, ECB chia sẻ, đang giúp đỡ các chính phủ bằng cách chỉ ra kết quả lạm phát thấp. Khoảng thời gian này, ECB đang phải thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh nợ công thậm chí còn cao hơn, di chứng của đại dịch và tiếp tục gây áp lực lên hầu bao công.
“Bối cảnh này mang đến cho các ngân hàng trung ương một môi trường thách thức hơn, trong đó có việc thực hiện chính sách và giữ lạm phát ở mức mục tiêu, không chỉ làm giảm khả năng cam kết với một đường lối chính sách nhất định mà còn dễ mắc sai lầm chính sách hơn”. Andreopoulos nói.
Cũng theo dự báo của ECB, trong kịch bản xấu nhất, liên quan đến các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, căng thẳng địa chính trị cao hơn, giá năng lượng tăng cao hơn và nguồn cung bị thu hẹp mạnh hơn, tăng trưởng GDP của Khu vực đồng Euro vào năm 2022 sẽ là 2,3% và lạm phát sẽ tăng lên 7,1%.
Đoàn Huyền