Canada vừa nộp đơn kiến nghị lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) về quyết định đánh thuế của Mỹ đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm (một loại vật liệu xây dựng rất phổ biến) mà nước này xuất khẩu sang Mỹ.
“Rắc rối, vô căn cứ”
Thuế suất nhập khẩu của Mỹ nằm trong khoảng từ 10% đến gần 24% bắt đầu có hiệu lực từ 03/01/2018, và dù vẫn thấp hơn mức cơ bản (17% đến 31%), nhưng theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, đây vẫn là con số “không công bằng, vô căn cứ và làm rắc rối tình hình”.
Bà Freeland khẳng định chính phủ Canada sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để bảo vệ ngành công nghiệp gỗ xẻ mềm và người lao động trong nước trước các hành vi thương mại mang tính bảo hộ.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ từng cáo buộc chính phủ Canada đã trợ cấp không công bằng cho và bán phá giá mặt hàng này. Mặc cho Canada hoàn toàn phủ nhận, Bộ Thương mại Mỹ vẫn đánh thuế chống phá giá và chống trợ cấp.
Quyết định của Mỹ được đưa ra đúng vào thời điểm các cuộc tái đàm phán về NAFTA – hiệp định thương mại ba bên giữa Mỹ, Canada và Mexico – đang đến hồi gay cấn, và chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, cũng như ảnh hưởng tới ngành gỗ xẻ trị giá 5,66 tỷ USD của Canada với nhiều doanh nghiệp tên tuổi như West Fraser Timber, Canfor Corp, Conifex Timber, Western Forest Products, Interfor Corp, Resolute FP Canada…
Trước đây, Mỹ đã nhiều lần áp các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên gỗ xẻ mềm của Canada. Cuối năm ngoái, quyết định áp thuế trừng phạt của Mỹ khiến các sản phẩm gỗ xẻ của Canada phải “gánh” tổng mức thuế suất thực tế lên tới 20,83% nếu muốn xuất khẩu vào nước này.
Canada sau đó phải xây dựng hẳn một kế hoạch hành động trị giá 867 triệu CAD (tương đương 675 triệu USD) hỗ trợ cho những doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Đáp trả những chỉ trích từ nước láng giềng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố hoàn toàn tin tưởng chiến thắng sẽ thuộc về Mỹ trong vụ việc khiếu nại của Canada.
Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục chống lại các hành vi thương mại bất công bằng khiến người lao động và doanh nghiệp Mỹ phải chịu thiệt thòi, cho dù đó có là các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ đi chăng nữa.
![]() |
Tranh chấp về gỗ xẻ giữa Mỹ và Canada chủ yếu tập trung quanh khoản phí mà các xưởng gỗ Canada phải trả cho các cây gỗ bị đốn hạ trong đất của chính phủ.
Mỹ cũng muốn đòi công bằng
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đứng về phía Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ khi cho rằng những đơn vị này đã tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật của Mỹ và phản ứng phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Vì thế, không có lý do gì mà phải lo sợ vụ kiện của Canada khi Mỹ hoàn toàn có khả năng chiếm ưu thế.
Va chạm về chính sách thuế giữa Mỹ và Canada không phải bây giờ mới có, đặc biệt là với sản phẩm gỗ xẻ. Hai bên gặp bất đồng hàng chục năm rồi và hết lần này đến lần khác đàm phán hòa giải đều bất thành. Kể từ năm 1982 đến nay, Canada đã 4 lần kiện Mỹ liên quan tới vấn đề này.
Tranh chấp về gỗ xẻ giữa Mỹ và Canada chủ yếu tập trung quanh khoản phí mà các xưởng gỗ Canada phải trả cho các cây gỗ bị đốn hạ trong đất của chính phủ. Khoản phí này thấp hơn nhiều so với số tiền phải trả tại Mỹ do các cây gỗ tại Mỹ lại chủ yếu nằm trong đất tư nhân.
Vì thế, Mỹ cho rằng chính phủ Canada đã lạm dụng kẽ hở luật pháp để cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, bán phá giá gỗ xẻ vào thị trường Mỹ và gây tổn hại cho các nhà sản xuất và công nhân Mỹ. Mức thuế mới, do đó, chỉ là nhằm đòi lại công bằng theo pháp luật về thương mại của Mỹ mà thôi.
Gỗ xẻ là mặt hàng được sử dụng rất nhiều trong ngành xây dựng tại Mỹ và có khối lượng nhập khẩu tương đối lớn. Khoảng 33% gỗ xẻ ở nước này năm 2016 là hàng nhập khẩu, trong đó hơn 95% có xuất xứ từ Canada.
Các sản phẩm gỗ xẻ mềm hiện chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu của Canada và đóng góp 22,3 tỷ CAD (tương đương 17,3 tỷ USD) cho tổng sản phẩm quốc nội.
Hải Châu