TS y khoa Andrea Gambotto, Phó giáo sư tại trường Y Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho biết họ có thể phát triển vaccine nhanh chóng nhờ từng có kinh nghiệm khi nghiên cứu về SARS-CoV (năm 2003) và MERS-CoV (năm 2014).
Theo ông, 2 loại virus liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2 này giúp họ biết được sự quan trọng của protein dằm (spike protein) trong quá trình tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus.
“Chúng tôi biết chính xác cách chống lại loại virus mới. Đó là lý do việc tài trợ cho nghiên cứu vaccine rất quan trọng. Chúng ta không biết đại dịch tiếp theo sẽ đến từ đâu”, TS Gambotto nói thêm.
Nhóm nghiên cứu gọi vaccine này là PittCoVacc, viết tắt của Pittsburgh Coronavirus Vaccine. Nó dùng protein virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm để hình thành khả năng miễn dịch, tương tự nguyên lý hoạt động của vaccine phòng cúm.
Vaccine COVID-19 đã thử nghiệm thành công trên chuột. (Ảnh: Medicalxpress). |
Họ dùng phương pháp tiêm mới có tên gọi microneedle gồm 400 mũi kim nhỏ. Kim tiêm được làm hoàn toàn từ đường và protein, dễ dàng tan vào da.
Phương pháp này được phát triển dựa trên cách tiêm vaccine đậu mùa nhưng với công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nó sẽ rất đau.
Khi thử nghiệm trên chuột, PittCoVacc khiến số lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 tăng vọt trong 2 tuần.
Mặc dù những chú chuột này chưa được theo dõi trong thời gian dài nhưng các nhà nghiên cứu đã ghi nhận cá thể được tiêm vaccine MERS-CoV tạo ra lượng kháng thể đủ để vô hiệu hóa virus trong ít nhất một năm.
Điều quan trọng, phương pháp này vẫn duy trì hiệu quả sau khi khử trùng triệt để bằng bức xạ gamma, bước quan trọng trong quá trình tạo vaccine có thể sử dụng trên cơ thể người.
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Pittsburgh đang xin phê duyệt từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn một trong vài tháng tới.
“Thử nghiệm trên người thường cần ít nhất một năm hoặc có thể lâu hơn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với trước đây. Vì thế, chúng tôi không biết quá trình phát triển lâm sàng sẽ kéo dài bao lâu. Các sửa đổi được đưa ra gần đây cho thấy chúng tôi có thể tiến triển nhanh hơn”, Louis Falo, TS Y khoa, Trưởng khoa Da liễu tại trường Y Đại học Pittsburgh chia sẻ.
VT