Nhiều quy định trói buộc về dầu mỏ và ngân hàng của Iran kể từ năm 2011 đã được dỡ bỏ, khi thanh sát viên Liên hợp quốc khẳng định Tehran đã từ bỏ phần lớn chương trình hạt nhân của mình.
Cần có đầu tư nước ngoài
Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực và “rã đông” hàng chục tỷ USD tài sản cho Tehran, Tổng thống Hassan Rouhani không giấu nổi tâm trạng phấn khởi trước triển vọng đất nước mình có thể thu hút được tới 50 tỷ USD đầu tư và tài trợ nước ngoài ngay trong năm tới.
Phát biểu trước Quốc hội Iran, ông Rouhani khẳng định: “Trọng tâm chính sách của chính phủ sau khi có thỏa thuận hạt nhân là thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ và sử dụng hiệu quả quỹ dự trữ ngoại hối… Muốn nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, cần có nguồn vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ”.
Ông Valiollah Seif - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, cho biết số tài sản bị “đóng băng” trị giá 32,6 tỷ USD đã có thể sử dụng trở lại. Chính phủ nước này cũng đã hợp tác với Mỹ để giải quyết dứt điểm một tranh chấp về hợp đồng vũ khí từ những năm 70 của thế kỷ trước, theo đó, Iran sẽ nhận được khoảng 400 triệu USD, chưa kể 1,3 tỷ USD tiền lãi.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran thu hút được rất nhiều sự quan tâm trên thế giới. Chính phủ Pakistan đã ra thông báo chính thức tái khởi động dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Tehran, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ cử một phái đoàn tới Iran trong tháng 2, để đánh giá lại triển vọng hợp tác năng lượng giữa hai bên. Trước khi bị áp đặt trừng phạt từ phương Tây, Iran vốn là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 của Khối các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier thì hoan nghênh thiện chí hợp tác của Iran và gọi kết quả đạt được là một “thành công ngoại giao lịch sử”. Ông Steinmeier tin tưởng các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực, chẳng hạn như xung đột ở Syria, cũng sẽ sớm được giải quyết.
Tuy vậy, sau một thập kỷ bị “bủa vây” bởi lệnh cấm vận quốc tế, hệ thống ngân hàng của Iran bị tụt hậu khá nhiều so với thế giới. Một trong những việc cần làm trước tiên là tái kết nối với Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT), dự kiến cần ít nhất 10 ngày.
![]() |
Iran cần tích cực khôi phục lại hoạt động phát triển mỏ
Tái hòa nhập cộng đồng toàn cầu
Mặc dù nền kinh tế đón nhận luồng gió mới đầy lạc quan, Iran không thể không lo ngại dòng vốn ồ ạt sẽ khiến gia tăng lạm phát sau khi đã được tầm soát từ 40% cách đây 2 năm xuống còn 13,7%. Trước những băn khoăn này, Ngân hàng Trung ương Iran nhấn mạnh sẽ có những biện pháp để sử dụng vốn một cách hiệu quả, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.
Lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ trong bối cảnh thị trường dầu mỏ tương đối ảm đạm, giá dầu Brent vẫn dưới mức 30 USD/thùng và chưa có dấu hiệu cải thiện. Dự toán ngân sách Iran cho năm tới là khoảng 2.670 tỷ rial (tương đương 88,4 tỷ USD), cao hơn 13,1% so với năm nay.
Trong đó, nguồn thu từ dầu mỏ chiếm 25% tổng thu ngân sách, còn thuế chiếm 68% - một cơ cấu gây khá nhiều ngạc nhiên đối với quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ như Iran, nhưng không phải là không có cơ sở khi chính phủ nước này lo ngại điều kiện thị trường không thuận lợi để tăng xuất khẩu.
Để đạt được mức xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày như trước khi bị áp đặt trừng phạt, Iran cần tích cực khôi phục lại hoạt động phát triển mỏ và thăm dò khai thác, một quá trình cần không dưới một năm.
Có thể thấy, việc nới lỏng lệnh cấm vận dù mở ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức mà Iran phải đương đầu trên lộ trình “tái hòa nhập” thị trường toàn cầu trong thời gian tới.
Hùng Anh