Giống như nhiều ngân hàng lớn khác trên thế giới, HSBC phải tìm cách cắt giảm chi phí để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về vốn và cũng để kịp thời phản ứng trước tình hình tăng trưởng không mấy khả quan của các thị trường châu Á chủ chốt.
"Làm mới" ban lãnh đạo
HSBC từng hứa hẹn sẽ thanh lý bớt tài sản, cắt giảm tới 50.000 việc làm trong 2 năm tới và quyết tâm tiết kiệm chi tiêu nhằm tăng lợi nhuận. Nhưng, nhà đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn, khi cổ phiếu của ngân hàng liên tục rớt giá. Một số ý kiến cho rằng HSBC cần phải giảm số lượng thành viên HĐQT để rút ngắn thời gian ra quyết định và sớm thực hiện lời cam kết về việc bổ nhiệm chủ tịch mới từ bên ngoài.
Nhà đầu tư cũng thúc giục HSBC đẩy nhanh tốc độ cải tổ bộ máy bằng những cách khác nhau, ví dụ bán tài sản một cách nhanh hơn và nhiều hơn, bao gồm cả đơn vị ở Mexico, hay tách riêng hoạt động bán lẻ ở Anh ra thành doanh nghiệp mới để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
![]() |
HSBC cần đẩy nhanh tốc độ cải tổ bộ máy
Hugh Young, chuyên gia quản lý quỹ tại Aberdeen Asset Management, công ty sở hữu 2% HSBC, ủng hộ ban lãnh đạo HSBC vì cho rằng mọi việc đang đi đúng hướng, song đưa ra lời khuyên HSBC nên tinh giản HĐQT của mình bằng cách thay thế một số thành viên không tham gia điều hành, nhưng lại có nhiệm kỳ gần 10 năm.
"Rất nhiều chủ đề đã được thảo luận tại đại hội cổ đông thường niên, khi ban lãnh đạo ngân hàng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà đầu tư", phát ngôn viên của HSBC cho biết, "Chúng tôi vẫn duy trì đối thoại thường xuyên và mang tính xây dựng với cổ đông và hoan nghênh sự tham gia trực tiếp của họ về các vấn đề họ mong muốn chúng tôi chú ý". HSBC dự định sẽ cập nhật thông tin về kế hoạch chiến lược tương lai khi thông báo kết quả hoạt động hàng quý, vào ngày 2/11.
Đầu năm nay, HSBC đã thuê một công ty tuyển dụng để giúp "săn" ứng viên cho các vị trí thành viên HĐQT không tham gia điều hành và một trong số đó dự kiến sẽ thay thế Chủ tịch Douglas Flint - thành viên HĐQT của ngân hàng từ năm 1995.
Làm mới chiến lược hoạt động
Kể từ đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4, HSBC giới thiệu được 2 gương mặt mới cho vị trí thành viên HĐQT không tham gia điều hành trong kế hoạch "thay máu" 16 thành viên độc lập trong ban quản trị. Một số người khác nằm trong lộ trình thay thế bao gồm Rona Fairhead và Simon Robertson, những người đã có thâm niên ngồi trong HĐQT lần lượt là 11 năm và 9 năm.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự và tập trung nguồn lực trở lại châu Á mà HSBC công bố trong mùa hè vừa qua chưa có những động thái cụ thể thuyết phục giới phân tích. Song, nhà đầu tư vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với CEO Stuart Gulliver, mặc dù cổ phiếu ngân hàng đã giảm 19% trong năm qua.
Cách đây 4 tháng, HSBC tuyên bố sẽ giảm lượng tài sản rủi ro mà bộ phận ngân hàng và thị trường toàn cầu đang nắm giữ xuống dưới 1/3 tổng số của toàn ngân hàng, so với mức 39% cuối năm 2014. HSBC cũng chủ trương "xoay trục" về châu Á và phấn đấu nâng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, một thước đo mức sinh lời quan trọng, lên hơn 10% vào năm 2017. HSBC còn đồng ý bán đứt một đơn vị ở Brazil. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế tại các thị trường châu Á cũng như gánh nặng chính sách ngày càng thắt chặt có thể gây ảnh hưởng tới lợi nhuận ở HSBC.
Giám đốc điều hành Stuart Gulliver từng chia sẻ rằng tìm kiếm và khai thác cơ hội tăng trưởng mới ở châu Á là một ưu tiên, nhưng sẽ không phải là lựa chọn duy nhất để HSBC tái đầu tư nguồn vốn được giải phóng nhờ thu hẹp hoạt động ở một số nơi trên thế giới. Nếu tiết kiệm được 290 tỷ USD từ việc thanh lý tài sản rủi ro, HSBC dự kiến khoảng một nửa trong số đó sẽ tìm đến châu Á, phần còn lại phân tán vào châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi và Bắc Mỹ.
HSBC vượt lên khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tốt hơn hẳn so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Nhưng những quy định ngặt nghèo và hàng loạt vụ điều tra nhằm vào cơ chế chống rửa tiền đã phơi bày những rủi ro của chiến lược tăng trưởng nhanh thông qua mua bán sáp nhập.
Hùng Anh