Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Cả thế giới đang suy đoán về kế hoạch của ông trong ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo. Đối với châu Á, đặc biệt là Việt Nam, mối quan tâm chính tập trung vào thương mại quốc tế và thuế quan. Liệu các biện pháp thương mại của ông Trump sẽ nhắm vào tất cả các quốc gia, hay tập trung vào các quốc gia cụ thể như Trung Quốc và Việt Nam - quốc gia đã nổi lên như một bên hưởng lợi lớn từ sự thay đổi chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á?
Các container được chất lên tàu tại cảng Sài Gòn, TP HCM. (Ảnh: AP). |
2 kịch bản thuế quan
Theo chuyên gia, với kịch bản ông Trump chỉ áp thuế đối với Trung Quốc và miễn trừ cho phần còn lại của thế giới, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Mức độ tác động đến GDP của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức tăng thuế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chiếm 2,8% GDP của Trung Quốc, giảm 0,7% so với năm 2017. Tuy nhiên tác động này là có thể kiểm soát được, và Bắc Kinh có khả năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, ngành xuất khẩu của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi chiếm 23,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm 2023 (tăng từ 13,7% năm 2017).
Với kịch bản này, Việt Nam sẽ thuộc nhóm hưởng lợi lớn, cùng với Malaysia, Thái Lan và Singapore. Từ năm 2017 đến năm 2023, Việt Nam đã tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ ở tất cả các danh mục sản phẩm, trở thành quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong khu vực châu Á mới nổi. Ấn Độ cũng đã tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều do môi trường đầu tư kém thuận lợi hơn và chính phủ ít tập trung vào sản xuất hơn.
Hiện tại, mặc dù đã đa dạng hóa, Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào các mặt hàng xe đẩy trẻ em, đồ chơi, trò chơi và dụng cụ thể thao của Trung Quốc, với mức độ phụ thuộc tới 74%. Đây sẽ là các mặt hàng có tiềm năng cao để đa dạng hóa thêm sang các quốc gia khác ở châu Á.
Hoa Kỳ cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào các thiết bị viễn thông và âm thanh của Trung Quốc. Việt Nam đã giành được 11% thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, hiện chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng từ 4% năm 2017. Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra trong các danh mục sản phẩm khác, nhưng với mức tăng ít ấn tượng hơn.
Còn với kịch bản Hoa Kỳ áp thuế cao hơn cả với phần còn lại của thế giới - mặc dù đây không phải là giả định cơ bản, điều này có thể dẫn đến áp lực lạm phát tại nước này, do các lựa chọn hàng hoá thay thế hàng Trung Quốc bị hạn chế.
Đối với Việt Nam, động thái này cũng gây ra nhiều bất lợi, vì mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 23% GDP. Trung Quốc dù có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Hoa Kỳ nhưng mức độ phụ thuộc vào GDP thấp hơn so với các quốc gia châu Á khác.
Việt Nam là đối tác, không phải mục tiêu thuế quan
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam và sự gia tăng thương mại với Trung Quốc, nhiều người cho rằng sự trỗi dậy của Việt Nam đơn thuần là kết quả của việc tái định tuyến hàng hoá từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ, Việt Nam có khả năng trở thành mục tiêu của các biện pháp thuế quan từ Trump nếu hàng hóa Việt Nam bị coi là hàng hóa Trung Quốc được tái định tuyến.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Harvard cho thấy rằng mặc dù có việc tái định tuyến, quy mô của nó nhỏ hơn nhiều so với giả định. Ở mức tối đa, các sản phẩm giống hệt nhau trong cùng một quý được vận chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam đến Hoa Kỳ chỉ chiếm 16% tổng số. Trong khi đó, khi đo lường dòng chảy thương mại ở cấp độ doanh nghiệp, chỉ có 1,8% được xác định là tái định tuyến.
Phân tích cho thấy Việt Nam đã giành được thị phần ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực có giá trị cao nhất – viễn thông và ghi âm – nhờ vị trí trung tâm hơn trong chuỗi cung ứng viễn thông. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ phần còn lại của thế giới, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, đã giảm trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy Việt Nam đã thiết lập chuỗi cung ứng riêng trong lĩnh vực này và sự tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là kết quả của hàng thập kỷ qua, khi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ khắp nơi trên thế giới thiết lập chuỗi cung ứng tại đây.
Mối liên kết thương mại của Việt Nam đã mở rộng đáng kể trên toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, các nước Bắc Á, Liên minh châu Âu, ASEAN và Hoa Kỳ. Việc giá trị xuất khẩu gia tăng phản ánh sự hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng.
Công nhân làm việc tại một xưởng may tư nhân ở Hà Nội. (Ảnh: Reuters). |
Sự hội nhập của Việt Nam không chỉ giới hạn ở viễn thông và thiết bị ghi âm; mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Phân tích xuất khẩu của Việt Nam theo từng giai đoạn sản xuất cho thấy nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trên toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, các quốc gia Bắc Á, Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Đáng chú ý, trong danh mục hàng vốn, nhập khẩu của Việt Nam từ các quốc gia Bắc Á tương đương với nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hơn nữa, nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng lên ở tất cả các khu vực và vùng miền. Các luồng nhập khẩu này phản ánh sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI trong hai thập kỷ qua. Từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam đã vượt trội hơn các nước còn lại trong khu vực về thu hút FDI. Đáng chú ý, phần lớn số đó là trong lĩnh vực sản xuất. Trên thực tế, Việt Nam vượt qua Ấn Độ về giá trị dòng vốn FDI sản xuất.
Nhờ các nỗ lực tự do hóa thương mại và tập trung vào sản xuất – đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), dệt may và giày dép – Việt Nam đã ngày càng định vị mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự tăng trưởng này xuất phát từ những tiến bộ mà Việt Nam tự đạt được. Tổng thống Trump nên xem Việt Nam như một đối tác trong thương mại và đầu tư hơn là một mục tiêu, đặc biệt khi Việt Nam đóng vai trò là lựa chọn quan trọng để đa dạng hóa đầu tư và giảm thiểu rủi ro lạm phát tại Mỹ.
Đỗ Kiều (theo Nikkei Asia)