Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 6,3% và giờ đây đã mất toàn bộ thành quả tăng được mà chỉ số đã có được từ khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017. Chỉ số S&P 500 hiện rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 12/2018.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.338,40 điểm tương đương 6,3% xuống 19.898,92 điểm – mức đóng cửa thấp nhất tính từ ngày 2/2/2017.
Chỉ số S&P 500 giảm 131,09 điểm tương đương 5,2% xuống 2.398,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,94 điểm tương đương 4,7% xuống 6.989,84 điểm.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số Dow Jones giảm 30%; S&P 500 giảm 26% còn Nasdaq giảm 22%.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm sâu (Ảnh Internet) |
Thị trường chứng khoán giảm điểm với những lo lắng về khả năng đại dịch cúm corona sẽ vẫn kéo dài gây gián đoạn hoạt động tại nhiều quốc gia. Nó sẽ dẫn đến tình trạng phá sản không chỉ trong nhóm các tập đoàn lớn mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể chật vật khi doanh thu sụt giảm trong vài tháng tới.
Giám đốc điều hành tại quỹ Pershing Square Capital Management, ông Bill Ackman, nói: “Điều làm cho người Mỹ lo sợ hiện nay chính là việc doanh nghiệp Mỹ phá sản ngày một nhiều”.
Cuối ngày hôm qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ nghỉ có trả lương và gói xét nghiệm cúm corona miễn phí dành cho người dân, thông tin này lập tức giúp thị trường chứng khoán bớt đà sụt giảm.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính phủ đang hướng tới gói hỗ trợ 1,3 nghìn tỷ USD vốn khẩn cấp cũng như nhiều biện pháp khác để hỗ trợ cho người lao động.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang chờ đợi thông tin cho thấy đại dịch cúm corona sẽ lập đỉnh. Số lượng các ca lây nhiễm cúm corona tại Trung Quốc lập đỉnh vào cuối tháng 2/2020, tuy nhiên số lượng các ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc tăng.
Tính đến cuối phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 đã có đến 7 phiên biến động trên 4%, chuỗi thời gian biến động mạnh như vậy dài hơn chuỗi 6 phiên biến động trên 4% vào thời điểm tháng 11/1929, theo Dow Jones Market Data.
VT