Chỉ sống trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc, mất tới 460,19 điểm, xuống 25.502,32 điểm. Các cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm, do lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn sụt giảm mạnh.
S&P 500 giảm 1,9%, đóng cửa phiên với 2800.71 điểm, chứng kiến mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 3/1. Nasdaq Composite mất 2,5%, còn 7.642,67 điểm, trong đó cổ phiếu nhóm công nghệ gồm Facebook, Apple, Netflix, Alphabet đồng loạt giảm.
Cổ phiếu Nike mất 6,6% sau khi công bố doanh số tăng trưởng tại Bắc Mỹ không đạt như kỳ vọng. Boeing tiếp tục sụt 2,8% sau khi hãng hàng không Garuda của Indonesia huỷ một đơn hàng 6 tỷ USD cho 49 máy bay Boeing 737 Max.
Chứng khoán Mỹ ngày 22/3 chứng kiến một phiên giao dịch với toàn sắc đỏ (Ảnh Internet) |
Cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm điểm là do đường cong lợi suất đảo ngược. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu 3 tháng và 10 năm lần đầu giảm xuống dưới mức 0 kể từ năm 2017, tức là đường cong lợi suất đã đảo ngược. Đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi trái phiếu lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Hiện tượng này còn được coi là dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Theo đó, cổ phiếu của Citigroup giảm hơn 4%. Goldman Sachs, Morgan Stanley, JPMorgan và Bank of America cùng mất ít nhất 2,9%.
Hôm thứ Tư, Fed đã đưa ra quyết định không thực hiện đợt nâng lãi suất nào trong năm nay và sẽ chấm dứt cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán vào tháng 9, động thái được coi là rất "bồ câu". Dù nhận được sự đồng tình từ khá nhiều người nhưng vẫn có ý kiến lo ngại về kinh tế đang giảm tốc khi Fed "kiềm chế" như vậy. Cũng trong ngày hôm đó, Fed hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019.
Hơn nữa, nhiều dữ liệu kinh tế yếu kém cũng được công bố trên khắp thế giới vào ngày 22/3, khiến mối lo ngại ngày càng trầm trọng.
Dù trải qua một phiên rung lắc khá mạnh, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng khá tốt từ đầu năm đến nay. Cụ thể, S&P 500 tăng 11,7%, Nasdaq tăng 15,2% và Dow Jones cũng tăng 9,2%.
VT