Chứng khoán Trung Quốc đại lục phiên sáng nay diễn biến đối lập nhau với chỉ số Shanghai Composite nhích thêm 0,48%, trong khi Shenzhen Composite mất 0,357%. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng lên điểm 1,14% nhờ cổ phiếu của gã khồng lồ công nghệ Tencent bứt lên 1,95%, còn cổ phiếu nhà sản xuất ô tô Geely tăng vọt 6% sau khi hãng này tuyên bố bắt tay hợp tác với “ông lớn” ô tô Thụy Điển Volvo.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,13% khi cổ phiếu của công ty hóa chất lớn nhất Hàn Quốc LG Chemical bật tăng 8%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia nhích 0,74% khi các nhóm cổ phiếu lớn ghi nhận sóng tăng. Cá biệt, cổ phiếu của công ty thiết bị y tế Cochlear mất hơn 2% sau khi doanh nghiệp này hạ dự báo tăng trưởng trong năm tài khóa 2020 do tác động của dịch bệnh Corona tới Trung Quốc đại lục - một trong những thị trường trọng điểm của công ty này.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm nay đóng cửa nghỉ lễ. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,82%.
![]() |
Chứng khoán Hong Kong - Hàn Quốc phá “băng” Corona (Ảnh Internet) |
Giới đầu tư tiếp tục theo sát diễn biến dịch bệnh do virus Corona khi nhiều nhà máy ở Trung Quốc hôm 10/2 bắt đầu sản xuất trở lại nhưng những bất ổn vẫn hiện hữu, nhất là sức ép huy động đủ lao động khi hoạt động hết công suất.
Trung Quốc hôm nay (11/2) xác nhận số ca tử vong do virus Corona lập kỷ lục mới khi tăng thêm 108 người, đẩy số người chết do virus này ở Trung Quốc lên 1.016. Tuy nhiên, số ca nhiễm virus có chiều hướng giảm khi ngày 10/2 ghi nhận thêm 2.478 ca nhiễm, giảm 584 ca so với ngày trước đó. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo tổng số ca nhiễm virus Corona tại nước này đến nay tăng lên 42.638 người.
Đánh giá về dịch bệnh đang lan rộng, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: "Chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng" về tác động của dịch corona gây ra.
Động lực tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 và cả năm đang chịu rủi ro lớn (do dịch bệnh), Richard Grace, chuyên gia tiền tệ cao cấp kiêm trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tại Ngân hàng Commonwealth (Australia) nhận định.
“Kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 17% GDP toàn cầu, nhưng có đóng góp quan trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc kinh tế Trung Quốc chịu rủi ro thì đương nhiên kéo theo rủi ro tới tăng trưởng toàn cầu”, Grace nói thêm.
VT