Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 16/7, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống còn 26.734,71 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,3% xuống 3.215,57 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,7% xuống còn 10.473,83 điểm.
Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,7% xuống 6.250,69 điểm; chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) để mất 0,4% xuống còn 12.874,97 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) hạ 0,5% xuống 5.085,28 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 0,4% xuống còn 3.365,35 điểm.
Các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu chứng kiến phiên giảm điểm trong bối cảnh bang Bihar của Ấn Độ với 125 triệu dân đã áp dụng lệnh phong tỏa do dịch COVID-19, trong khi tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi tại Mỹ với 67.632 ca mắc COVID-19 mới chỉ trong 24 giờ trước đó.
Chứng khoán Âu-Mỹ giảm điểm phiên 16/7 (Ảnh Internet) |
Số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ trong tuần qua là 1,3 triệu, ít thay đổi so với tuần trước đó và vẫn là một trong những mức cao kỷ lục. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ tiếp tục tăng trong 6/2020.
Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết mặc dù các hoạt động kinh tế ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gia tăng trong những tuần gần đây khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, song mức bất ổn về tốc độ và quy mô hồi phục kinh tế vẫn còn cao. ECB đã triển khai một loạt biện pháp đặc biệt để ứng phó ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19, song bà Lagarde vẫn cho rằng chính phủ các nước châu Âu cần chia sẻ gánh nặng với những nỗ lực về chính sách tài khóa để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Các lãnh đạo EU nhóm họp trong 2 ngày 17-18/7 tại Brussels (Bỉ) để thào luận về quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá 750 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nước thành viên EU ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
VT