Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - ông Euclid Tsakalotos, đánh giá đây chính là “tia sáng cuối đường hầm” cho quốc gia Đông Nam Âu, góp phần kéo Hy Lạp ra khỏi vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế, để trở thành một địa điểm đầu tư thông thoáng.
Tất cả cùng phải “cố”
Sau 11 tiếng đồng hồ thảo luận liên tục tại Brussels, Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone cuối cùng cũng gật đầu thừa nhận Hy Lạp đã làm những gì cần thiết để “tháo nút thắt” tiếp theo của gói cứu trợ, qua đó kết thúc quá trình kiểm tra điều kiện đã “dây dưa” hàng tháng trời nay. Ngoài ra, các vị bộ trưởng dự cuộc họp cũng nhất trí về lộ trình giãn nợ, giảm nợ cho Hy Lạp - một trong những vướng mắc chính với IMF, khiến nhiều cuộc thương lượng trước đó lâm vào ngõ cụt.
Khi nào tất cả 19 quốc gia khu vực đồng euro chính thức ký vào bản thỏa thuận, Hy Lạp sẽ nhận được 10,3 tỷ euro, trong đó, 7,5 tỷ euro dự kiến được giải ngân vào nửa cuối tháng Sáu.
Đón dòng tiền mới chảy về kịp thời, Hy Lạp có thể tránh được rủi ro mất thanh khoản, khi trái phiếu chính phủ đang nằm trong tay IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đáo hạn vào tháng Bảy tới.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - ông Euclid Tsakalotos, nhìn nhận đây chính là “tia sáng cuối đường hầm” cho quốc gia Đông Nam Âu này: “Đây có thể là sự khởi đầu của quá trình kéo Hy Lạp ra khỏi vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế, để trở thành một địa điểm đầu tư thông thoáng”, Bộ trưởng Euclid Tsakalotos nói.
Để đạt được thỏa thuận hôm 25/5, tất cả các bên chủ chốt trong đàm phán đều phải chấp nhận từ bỏ một số yêu cầu từng đưa ra và cam kết việc gì “cố” được thì “cố thêm nữa”. Cụ thể, Hy Lạp phải thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng hơn so với cam kết hồi mùa hè năm ngoái; Đức phải có nhiều giải pháp giãn nợ, giảm nợ cho Hy Lạp và IMF phải chấp nhận điều kiện rằng các biện pháp giãn nợ chủ yếu sẽ chưa thể ban hành, sớm nhất là năm 2018, thời điểm gói cứu trợ tài chính hiện tại của Hy Lạp kết thúc
Theo lời ông Jeroen Dijsselbloem - Bộ trưởng tài chính Hà Lan và cũng là người chủ trì cuộc họp, trong số những biện pháp giãn nợ, có việc quy định trần lãi suất và kéo dài thời hạn trả lãi, cũng như hoàn trả cho Hy Lạp phần lợi nhuận của số trái phiếu chính phủ mà ngân hàng trung ương các nước eurozone đang nắm giữ. Thậm chí, eurozone còn có thể tận dụng nguồn kinh phí chưa giải ngân trong gói cứu trợ để giúp Hy Lạp trả nợ sớm đối với một số khoản vay chính thức khác.
Hy Lạp sẽ nhận được 10,3 tỷ euro?
Thận trọng như IMF
Việc trì hoãn thực hiện những biện pháp trên đến năm 2018 chính là điều kiện đánh đổi của Đức và một số quốc gia cứng rắn khác, vốn không muốn mang vấn đề giảm nợ cho Hy Lạp ra tranh luận trước quốc hội trong nước vào thời điểm này. Ví dụ như Đức, muốn đợi đến sau khi kết thúc cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.
Ông Dijsselbloem nhận định, việc các bên đã thống nhất về lộ trình giảm nợ cho Hy Lạp, cùng với cam kết sẵn sàng đi xa hơn nếu cần thiết, sẽ là điều kiện đủ để thuyết phục IMF trở lại chia sẻ gánh nặng với eurozone vào cuối năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài trở ngại, trước khi Hy Lạp có thể chạm tay vào “tiền tươi thóc thật” của tổ chức này.
Ông Poul Thomsen - Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Âu, cho biết thỏa thuận vừa đạt được chứng tỏ eurozone đã sẵn sàng cân nhắc các biện pháp cần thiết để tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp, khiến nó trở nên bớt rủi ro và dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, IMF sẽ chỉ giải ngân chừng nào đánh giá được tác động thực tế của những biện pháp mà eurozone đã hứa hẹn.
Ông Thomsen cũng nhấn mạnh, IMF đã rất nhượng bộ eurozone, khi chấp nhận chờ đợi thêm hàng năm trời, trước khi cam kết giảm nợ cho Hy Lạp được bắt đầu triển khai.
IMF từng tham gia đồng tài trợ hai lần giải cứu Hy Lạp nhưng vẫn chưa đồng ý đóng góp cho gói cứu trợ lần ba, bởi lo ngại mức nợ công của nước này đã quá cao để có thể trả được cả gốc lẫn lãi.
Cách đây vài ngày, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất thay đổi một loạt chính sách thuế và biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung theo yêu cầu của các chủ nợ, như để chứng minh sự nhượng bộ và cam kết quyết tâm của mình.
Hải Châu