Từ năm 2002 - 2012, hơn 1.700 tỷ USD tiền tham nhũng và tiền phạm tội tại Trung Quốc được đem đi “rửa” trên toàn thế giới; đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường bất động sản Australia tăng hơn 400% trong vòng nửa thập kỷ qua.
Tăng cường năng lực
Phát biểu sau lễ ký kết giữa các đại diện của Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Australia (AUSTRAC) với Trung tâm Phân tích và Giám sát rửa tiền Trung Quốc (CAMLMAC), ông Keena nhận định việc theo dõi dòng tiền dịch chuyển là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm có tổ chức. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo sẽ là cơ sở để hai quốc gia xác định chính xác hơn và triệt phá hiệu quả hơn các mạng lưới tội phạm tài chính.
Trước khi đi đến thống nhất, cả Australia và Trung Quốc đã dành ra hơn một năm để thảo luận về các nội dung hợp tác. Với Trung Quốc, đây là một mặt trận mới trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm vào các cá nhân, bao gồm cả đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, những người bị cho là đã tìm cách chuyển tiền tham ô, hối lộ ra nước ngoài. Trong “Chiến dịch săn cáo” này, Trung Quốc không thể không hợp tác với chính quyền các quốc gia khác, để theo dõi dòng tiền “bẩn” và những khoản đầu tư “vòng vèo”.
Ông Paul Jevtovic - Giám đốc AUSTRAC, cho rằng với việc chia sẻ thông tin tình báo hữu ích, quá trình điều tra chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố sẽ được hỗ trợ đáng kể, giúp tăng cường năng lực cho cả Trung Quốc và Australia trong việc phát hiện và triệt phá các đường dây tội phạm tài chính nguy hiểm, đồng thời củng cố và bảo vệ hệ thống tài chính của từng quốc gia.
![]() |
Trung Quốc không thể không hợp tác với chính quyền các quốc gia khác, để theo dõi dòng tiền "bẩn"
Nguyên giám đốc điều hành của AUSTRAC - ông John Schmidt, từng ước tính hàng tỷ USD tiền phi pháp từ nước ngoài đã cập bến Australia, phần lớn trong số đó ẩn náu trong thị trường bất động sản khu dân cư và bất động sản thương mại. Theo ông, các cơ quan thực thi luật pháp của nước này thiếu các nguồn lực để “thanh lọc” tiền đầu tư từ Trung Quốc, cụ thể nhất là chưa có sự phân định rạch ròi nhiệm vụ của một số cơ quan hữu quan.
Ngay cả Hội đồng đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB), cơ quan giám sát nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào Australia, cũng ít khi nào thảo luận về vấn đề tiền tham nhũng. Trừ trường hợp có những lo ngại rõ ràng về buôn lậu ma túy hay những tội phạm nghiêm trọng khác, còn lại thì chính quyền Australia chưa thật sự mạnh tay, từ đó tạo điều kiện cho tiền bẩn ngày càng lấn sâu và sinh sôi.
Địa điểm ưa thích của quan tham
Năm 2015, một báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) - cơ quan liên chính phủ được thành lập năm 1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Paris với mục đích chống rửa tiền và tài trợ khủng bố - đã thúc giục chính phủ Australia tăng cường các biện pháp chống rửa tiền và đẩy mạnh công tác giám sát lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, Bộ Công an Trung Quốc từng công bố số liệu thống kê vào tháng 10/2016, cho thấy Hoa Kỳ, Canada, Australia và Singapore là những địa chỉ được ưa chuộng nhất của đội ngũ cán bộ tha hóa, tham nhũng tại đất nước này. Nguyên nhân chính là vì Trung Quốc chưa thiết lập điều ước dẫn độ song phương với các quốc gia kể trên.
AMLMAC là đơn vị trực thuộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, chịu trách nhiệm bảo đảm quá trình Trung Quốc thực thi các cam kết quốc tế về đối phó các dòng vốn bất hợp pháp. Những tháng gần đây, cơ quan này đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số nước, bao gồm Campuchia, Lào và Uzbekistan, đồng thời trao đổi hợp tác với quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đơn vị có chức năng theo dõi các hoạt động rửa tiền.
Theo thống kê, trong giai đoạn 10 năm từ 2002 - 2012, hơn 1.700 tỷ USD tiền tham nhũng và tiền phạm tội tại Trung Quốc được đem đi “rửa” trên toàn thế giới. Các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường bất động sản Australia tăng hơn 400% trong vòng nửa thập kỷ qua, trong đó riêng năm 2014 là hơn 12 tỷ USD.
Hải Châu