Cuối tuần qua, Moody’s thông báo quyết định nâng điểm xếp hạng cho Ấn Độ từ Baa3 lên Baa2, đồng thời thay đổi quan điểm đánh giá triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Lợi thế đi vay trong tương lai
Lần nâng điểm này của Moody đối với Ấn Độ, kể từ tháng 1/2004, đưa quốc gia đông dân thứ nhì thế giới tăng một bậc, so với mức thấp nhất (Baa3) trên hạng mục “đáng để đầu tư”. Trong khi đó, hai hãng xếp hạng tín dụng khác là Standard & Poor và Fitch Ratings vẫn giữ Ấn Độ ở mức Baa3 suốt 10 năm nay.
Để giải thích cho quyết định của mình, Moody’s đưa ra một loạt lý do, trong đó kể đến trước tiên là việc Ấn Độ ban hành chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) có hiệu lực từ ngày 1/7 - một cải cách mang tính bước ngoặt biến 29 bang của Ấn Độ thành một liên minh thuế quan, giúp tăng năng suất thông qua loại bỏ rào cản thương mại giữa các bang.
Moody’s cho rằng mặc dù một số cải cách quan trọng vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng hiệu quả của những cải cách đã và đang triển khai sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu của chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và kích thích đầu tư.
“Về lâu dài, tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác trong thang điểm Baa. Trong thời gian tới, mặc dù gánh nặng nợ vẫn là một hạn chế đối với chất lượng tín dụng của Ấn Độ, song chúng tôi tin rằng công cuộc cải cách đã làm giảm nguy cơ gia tăng nợ, ngay cả trong các kịch bản xấu”, cơ quan này cho hay.
Ngoài ra, Moody’s còn nâng xếp hạng tín dụng không có bảo đảm bằng nội tệ của Ấn Độ từ Baa3 lên Baa2, tăng điểm cho Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Ngân hàng HDFC và một số công ty năng lượng có vốn nhà nước như Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia (NTPC), Tập đoàn Thủy điện Quốc gia (NHPC), công ty khí đốt GAIL India….
Các chuyên gia nhận định nhờ đó mà chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiết kiệm được phần nào chi phí vay trong tương lai. Cho dù uy tín của các cơ quan xếp hạng tín dụng đã bị lung lay kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng ý kiến của những đơn vị này vẫn có sức nặng và được tin cậy ở các thị trường mới nổi, vốn rất khó trông chờ vào mức độ chân thực của số liệu thống kê quốc gia.
![]() |
Thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả đồng rupee ngay lập tức phản ứng tích cực
Chờ đợi sự thừa nhận rộng rãi
Quyết định của Moody’s có thể nói là tin khích lệ đầy bất ngờ cho chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi và công cuộc cải cách còn dài hơi. Thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả đồng rupee ngay lập tức phản ứng tích cực trước thông tin này.
Cách đây chưa lâu, Ngân hàng Thế giới cũng đã xếp Ấn Độ tăng 30 bậc để lần đầu tiên lọt vào top 100 quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Năm ngoái, Ấn Độ đã vận động Moody’s để sớm nâng điểm cho mình nhưng không thành công, vì chưa thuyết phục được cơ quan này về mức độ nợ công và sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley vì thế mới nói rằng quyết định của Moody’s là “sự công nhận muộn màng” đối với nỗ lực của chính phủ.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn coi đây là điều ngạc nhiên, bởi Ấn Độ đã không duy trì được vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, do những xáo trộn từ sự thay đổi chính sách sâu rộng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng không lạc quan lắm về khả năng các hãng xếp hạng tín dụng khác như Standard & Poor hay Fitch sẽ sớm nâng hạng cho Ấn Độ, với lý do tình hình tài chính ngân sách chính quyền trung ương và địa phương còn chưa ổn định, khu vực nông thôn chưa chịu chuyển mình, đầu tư yếu... khiến tăng trưởng kinh tế bị chững lại.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết, chính phủ nước này sẽ tiếp tục duy trì kỷ luật tài chính tài khóa nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3,2% GDP cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2018 và giảm xuống 3% trong năm tiếp theo.
Hải Châu