Thông tin trên được công bố trong bối cảnh nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn China Vanke - ông Wang Shi, quyết định chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm.
Khu đất được mua trước kia là tài sản của công ty Guangdong International Trust & Investment (định chế tài chính phi ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc phá sản năm 1999), gồm 16 miếng đất với tổng diện tích 2,1 triệu m2.
Tưởng “chát” mà không đắt
Con số 2,1 triệu này nghe đã đủ choáng ngợp, nhưng vẫn chưa thấm tháp gì nếu đặt cạnh tổng số tài sản đất mà Vake đang sở hữu. Theo thống kê tính đến cuối năm ngoái, tập đoàn này nắm trong tay 107 triệu m2 đất dự án đã quy hoạch, hoặc đang xây dựng.
Theo kế hoạch, Vanke sẽ xây dựng các công trình khu dân cư, thương mại, khách sạn và văn phòng, với quy mô diện tích tương đương với 8 tòa nhà Empire State hoành tráng của Mỹ.
Theo các chuyên gia, thương vụ này đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi giá trị giao dịch, mà còn vì Quảng Châu có quỹ đất rất hạn chế, và khu đất mà Vanke mua lại nằm ở ngay khu trung tâm. Số tiền hơn 8 tỷ USD tưởng chừng khá “chát”, nhưng thực ra lại không hề đắt, nếu biết rằng mỗi m2 đất chỉ tốn của Vanke trung bình khoảng 26.000 NDT (xấp xỉ 100 triệu đồng), trong khi nhiều địa điểm khác ở Quảng Châu còn có giá trên 40.000 NDT/m2.
Tuy nhiên, đó chỉ là những tính toán rất sơ bộ; việc đánh giá thương vụ này cần thêm thông tin về nguồn vốn Vanke huy động (ví dụ, toàn bộ là tiền của Vanke hay có cả phần đi vay...). Vanke cho biết có một doanh nghiệp nữa cùng đầu tư với mình và sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng khác.
Việc sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ để mua lại khu đất rộng mênh mông đã cho thấy tham vọng của Vanke, tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc về doanh số, cho dù nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn, ông Wang Shi, từ chức vào hồi đầu tháng sau khi suýt bị tập đoàn bảo hiểm Baoneng thâu tóm.
Baoneng tưởng chừng đã “nuốt chửng” Vanke đến nơi, thì doanh nghiệp nhà nước Shenzen Metro lại can thiệp và trở thành cổ đông lớn nhất của Vanke, với số cổ phần được tăng lên tới gần 30%.
Chuyên gia phân tích bất động sản của Standard & Poors cho rằng thương vụ tại Quảng Châu là minh chứng cho thấy Vanke đang ngày càng hăng hái hơn trong chiến lược đầu tư, kể từ khi bộ máy lãnh đạo mới vào guồng.
![]() |
Vanke đã cho thấy tham vọng với khu đất rộng mênh mông
Tham vọng không ngừng nghỉ
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong phiên đấu giá khu đất, Vanke đã đánh bại 8 đối thủ khác vì chào giá cao hơn tới 23% giá niêm yết. Dù chịu thêm gánh nặng tài chính, nhưng Vanke được cho là vẫn kiểm soát tốt tình hình. Với vị thế của khu đất, tập đoàn này hoàn toàn có cơ sở để hy vọng sinh lời cao trong tương lai.
Theo tổng kết của chuyên gia Bloomberg Inteligence, giá trị thương vụ này đã thiết lập nên kỷ lục mới ở Trung Quốc đối với một doanh nghiệp phát triển bất động sản, vượt qua thỏa thuận 31 tỷ NDT khi China Overseas Land & Investment mua lại các dự án khu dân cư của Citic.
Tại Hồng Kông, giao dịch “khủng” nhất thuộc về Henderson Land Development, khi mua lại tòa nhà gửi xe Murray Road vào tháng 5 vừa qua với giá 23,3 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 3 tỷ USD).
Thương vụ của Vanke diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định về kiểm soát giá nhà đất ở những thành phố lớn như Quảng Châu. Những quy định mới này đẩy nhóm đầu cơ bất động sản về các thành phố nhỏ hơn còn dư quỹ nhà đất.
Chuyên gia bất động sản của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics nhận định, những công ty lớn luôn nhăm nhe các khu đất ở vị trí đẹp, đây là điều hoàn toàn bình thường và Quảng Châu là nơi có tiềm năng rất lớn.
Đất đai ở các thành phố lớn ngày một khan hiếm hơn, vì thế mà chính quyền địa phương thường rất thận trọng trong việc quyết định tổ chức đấu giá đất.
Hải Châu