Dù Uber bị ngập lụt trong những tin xấu, nhưng quyết định của ông Kalanick là điều không ai nghĩ tới.
Thành công trong việc đưa Uber chỉ sau một thời gian ngắn vươn lên thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực vận tải hành khách, với trị giá ước tính khoảng 68 tỷ USD, phần lớn là tâm sức của vị CEO 40 tuổi luôn muốn chinh phục thử thách này.
Không CEO, không COO, CFO
Tuy nhiên, sự mạnh mẽ và táo bạo cũng đồng nghĩa với những lời chỉ trích và thái độ phản kháng. Năm vừa qua, Uber tiếp tục vướng vào rắc rối và tai tiếng, từ những bê bối xung đột, phân biệt đối xử trong nội bộ công ty, cho tới việc bị Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra, hay Alphabet (công ty mẹ của Google) kiện ra tòa.
Trong bức thư gửi tới nhân viên của mình như một lời chia tay, ông Kalanick tâm sự: “Tôi yêu Uber hơn bất kỳ điều gì trên đời. Và trong thời điểm khó khăn này, tôi chấp thuận yêu cầu của các cổ đông để đứng sang một bên, miễn sao Uber có thể phát triển, thay vì bị phân tâm bởi những cuộc đấu đá”.
Dù không còn là CEO, nhưng ông Kalanick vẫn có chân trong hội đồng quản trị Uber. Tuy nhiên, sự ra đi của vị Giám đốc điều hành sẽ làm khoảng trống của bộ máy lãnh đạo ở công ty này thêm “mênh mông”. Bởi hiện tại, Uber không có Giám đốc Tác nghiệp, Giám đốc Tài chính và cả Giám đốc Pháp chế.
Ai sẽ tiếp quản ghế CEO của Uber vẫn là một câu hỏi ngỏ. Giới truyền thông những ngày này tập trung vào Giám đốc Tác nghiệp Sheryl Sanberg của Facebook như một ứng cử viên tiềm năng. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với bà Sanberg cho hay, vị giám đốc này chưa có ý định nhảy việc.
Về phần mình, ông Kalanick sẽ còn bị tiếp tục điều tra xung quanh cáo buộc phân biệt giới tính và vi phạm các quy tắc ứng xử trong công ty mà chính ông có công sáng lập năm 2009.
![]() |
Ông Travis Kalanick - người đưa Uber thành “người khổng lồ” chỉ sau một thời gian ngắn
Bài học về quản lý
Sau khi bị rò rỉ đoạn video mắng xối xả một tài xế Uber vì “dám” phàn nàn chuyện bị giảm lương, vị CEO này đã phải công khai xin lỗi và cam kết sẽ tìm cách giải quyết hợp lý.
Theo một số nguồn tin, nguyên nhân khiến người quyền lực nhất Uber phải rời khỏi ghế nóng chính là áp lực từ một số cổ đông lớn. Quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark (Tổng Giám đốc Bill Gurley là một trong những cổ đông lớn nhất của Uber và có chân trong hội đồng quản trị) cùng các nhà đầu tư First Round Capital, Lowercase Capital, Menlo Ventures và Fidelity Investments đều gây sức ép tổng lực, buộc ông Kalanick từ chức. Menlo Ventures thậm chí còn tham gia viết thư yêu cầu ông Kalanick thôi việc.
Dù tin xấu bủa vây như vậy, nhưng quyết định của ông Kalanick là một điều “không ai ngờ tới”, theo lời người đại diện của Uber. Hội đồng quản trị Uber gọi đó là một “quyết định khó khăn”, nhưng là điều kiện để công ty “viết nên trang sử mới”. Trước đó, kết luận điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ cũng khuyến cáo Uber nên thu hẹp quyền hạn của vị giám đốc này, đồng thời mở rộng quyền giám sát và tính độc lập của hội đồng quản trị.
Uber là một điển hình về việc văn hóa doanh nghiệp và trình độ quản trị không theo kịp đà tăng trưởng. Từ việc một nhân viên nữ công khai tố cáo có hành vi quấy rối trong công ty, tài xế đâm đơn kiện vì trả lương không thỏa đáng, cho đến bê bối trốn thuế, xâm hại bí mật kinh doanh..., Uber đã tự trói chân mình trong những scandal mà không biết cách xử lý khủng hoảng.
Kể cả những người ủng hộ ông Kalanick nhất cũng không thể lảng tránh sự thật là Uber tồn tại nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý. Nhà đồng sáng lập Garrett Camp, dù luôn sát cánh bên chiến hữu Kalanick, đã phải cay đắng thừa nhận rằng các vấn đề của Uber là quá nghiêm trọng.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã quá chú trọng phát triển công nghệ mà quên nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp. Chúng tôi thất bại trong việc tạo dựng những giá trị mà bất kỳ công ty nào cũng phải có” ông Camp nói.
Hải Châu