Giám đốc bộ phận nhân sự Xavier Broseta và phụ trách nhân sự các chuyến bay đường dài Pierre Plissonnier thậm chí còn phải "liều mình" leo hàng rào cao 2,5m, với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh, mới tìm được đường ra được khỏi vòng vây.
Khúc mắc của phi công
Tình trạng bạo lực nổ ra hôm 5/10 khi Air France thông báo với người lao động rằng 300 phi công, 900 tiếp viên và 1.700 nhân viên mặt đất có thể phải đi tìm công việc khác sau những vòng đàm phán không thành công về chế độ làm việc.
Đây không phải lần đầu tiên nước Pháp chứng kiến những cuộc đình công, biểu tình của người lao động chuyển sang hình thức "đụng chân đụng tay" như vậy. Trước đó, một số lãnh đạo Michelin & Cie. và Sony Corp còn bị giữ làm con tin vì sa thải nhân viên; nông dân thì giận dữ mang máy kéo và phân bón ra chặn các tuyến phố; hay hơn 100 xe Uber bị tài xế taxi đập vỡ kính.
"Một số cá nhân kích động đã gây ra cuộc tấn công khi người lao động đang đình công một cách có trật tự", Air France cho biết trong một tuyên bố.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1, Giám đốc nhân sự Broseta thừa nhận "bị sốc và thất vọng", song không đổ lỗi cho tất cả nhân viên. Ông khẳng định quá trình đàm phán với người lao động vẫn có thể nối lại. Theo thông tin ban đầu, 7 người đã bị thương, trong đó có 1 nhân viên an ninh bị chấn thương ở đầu.
![]() |
Lâu nay, Air France không có "thói quen" sa thải nhân viên của mình
Dù phải bất đắc dĩ hoãn cuộc họp, nhưng Air France cho biết sẽ không thay đổi ý định tinh giản biên chế, trong đó lần đầu tiên kể từ những năm 1990, sẽ có những người bị chấm dứt hợp đồng.
Theo kế hoạch, đội tàu bay của Air France sẽ giảm từ 107 xuống còn 93 chiếc, hoãn các đơn hàng Boeing 787 và dần loại bỏ Airbus A340 đã già nua. "Chúng tôi không thể chi hàng tỷ EUR để mua máy bay mới, nếu không nhìn thấy triển vọng lợi nhuận trong tương lai", dẫn lời Giám đốc điều hành Air France, Frédéric Gagey.
Tuần trước, Air France đã tiết lộ về dự định cắt giảm việc làm, thu gọn số lượng máy bay và các tuyến đường bay mà không đề cập gì tới đối tượng phi công, những người đã phải làm việc thêm giờ nhưng không được hưởng phụ cấp.
Ông Alexandre de Juniac - Giám đốc điều hành Air France-KLM, công ty mẹ của Air France, lại muốn đưa phi công vào danh sách tinh giản lần này, sau khi thất bại trong việc thành lập một hãng hàng không giá rẻ bên ngoài nước Pháp hồi năm ngoái, do vấp phải 2 tuần đình công phản đối, gây thiệt hại 500 triệu EUR và khiến chính phủ phải can thiệp.
Khó khăn tứ phía
Bản thân các phi công Air France thừa nhận, cơ cấu chi phí của công ty đang cồng kềnh hơn đối thủ cạnh tranh. Họ đổ lỗi cho gánh nặng thuế và quy định pháp lý rắc rối, đồng thời yêu cầu chính phủ giảm thuế cho Air France và giảm lệ phí tại các sân bay nhà nước.
Chính phủ Pháp, hiện đang nắm giữ 17% cổ phần trong Air France, đứng về phía ban lãnh đạo công ty khi nhắc các phi công đưa ra đề xuất của chính mình để cứu vãn việc làm thay vì chỉ đình công phản đối.
Lộ trình triển khai kế hoạch cắt giảm việc làm của Air France phải chờ đến giữa tháng 12 may ra mới khởi động được, do các quy định pháp lý của Pháp, tức là các bên còn khoảng 2 tháng để tìm tiếng nói chung, với điều kiện là phải nối lại đàm phán càng sớm càng tốt.
Lâu nay, Air France không có "thói quen" sa thải nhân viên của mình, mà chủ yếu để họ tự xin thôi việc, hoặc áp dụng chế độ nghỉ hưu sớm, nhờ đó giảm được 9.000 "biên chế" trong vòng 3 năm qua. Lần gần đây nhất hãng phải mạnh tay, đã từ năm 1993, khi nhiều tuần đình công của nhân viên khiến Giám đốc điều hành Bernard Attali mất việc.
Vụ việc trên giúp khắc họa rõ nét một thực tế đáng buồn của nhiều hãng hàng không lâu đời ở châu Âu. Air France cố gắng thu gọn hoạt động để cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair Holdings, trong khi vẫn phải gồng mình đối phó với những đối thủ vùng Vịnh giàu tiềm lực đang chiếm giữ những phần béo bở trong phân khúc bay đường dài đến châu Á. Xen giữa hai thách thức đó, là một lực lượng lao động với hàng chục năm "kinh nghiệm" trong việc làm tê liệt hoạt động bằng các cuộc đình công.
Hùng Anh