Theo “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc ước tính, khoảng 60 triệu điện thoại sẽ được sản xuất tại Trung Quốc thông qua các đối tác sản xuất thiết kế ban đầu (hay còn gọi là ODM) vào năm 2020 trong tổng số khoảng 300 triệu thiết bị.
Lựa chọn bất đắc dĩ
WingTech và các ODM khác là đối tác sản xuất điện thoại cho nhiều thương hiệu như Huawei, Xiaomi hay Oppo, nhờ đó mà đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô để giảm chi phí. Một số doanh nghiệp nhanh nhạy còn có thể phát triển và sản xuất các dòng điện thoại giá rẻ với tốc độ rất nhanh chóng.
Có ý kiến cho rằng chiến lược trên của Samsung có nguy cơ buông lỏng chất lượng và tự làm thui chột năng lực sản xuất của mình, thậm chí còn gián tiếp làm lợi cho các đối thủ (vì đơn hàng lớn của Samsung giúp ODM giảm chi phí sản xuất cho tất cả các loại điện thoại).
Hãng này đã khai tử chiếc Galaxy Note 7 vào năm 2016, sau khi xảy ra sự cố cháy và lùi kế hoạch ra mắt chiếc điện thoại nắp gập trong năm nay vì lỗi màn hình. Nhưng với lợi nhuận biên của dòng điện thoại thông minh giá rẻ ngày càng bị thu hẹp, Samsung dường như không có nhiều sự lựa chọn, ngoài việc phải học hỏi chính các đối thủ của mình và bắt tay với các ODM Trung Quốc để tiết kiệm chi phí.
Samsung cho biết đang sản xuất một số lượng hạn chế các dòng điện thoại thông minh ở bên ngoài các nhà máy của mình nhằm mở rộng danh mục hiện có và bảo đảm “công tác quản lý hiệu quả trên thị trường”. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ có bao nhiêu dòng điện thoại và bao nhiêu chiếc được sản xuất bởi các ODM.
Công ty nghiên cứu Counterpoint cho biết các công ty ODM có thể mua tất cả các linh kiện điện thoại thông minh trong phân khúc giá 100 - 250 USD với chi phí thấp hơn 10 - 15% so với các thương hiệu lớn có đặt nhà máy sản xuất riêng ở Trung Quốc. Một nguồn tin tiết lộ việc WingTech có nguồn cung một số linh kiện với giá thấp hơn tới 30% so với Samsung Electronics đang trả tại Việt Nam.
Samsung vẫn là “gã khổng lồ” số 1 thị trường điện thoại thông minh toàn cầu |
Có đáng để mạo hiểm?
WingTech bắt đầu sản xuất máy tính bảng và điện thoại cho Samsung vào năm 2017, chiếm 3% doanh số smartphone của công ty Hàn Quốc. Con số này dự kiến sẽ đạt 8%, tương đương 24 triệu thiết bị, trong năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit.
Phương án thuê ngoài của Samsung chủ yếu áp dụng cho các dòng Galaxy A tầm trung và tầm thấp, trong đó WingTech tham gia cả khâu thiết kế và sản xuất, nguồn tin tin cậy cho biết. Dòng A6S, một trong những mẫu được thuê ngoài, có chi phí sản xuất tại Trung Quốc khoảng 185 USD.
Các điện thoại của Wingtech chủ yếu nhắm đến Đông Nam Á và Nam Mỹ, một nguồn tin cho biết. Samsung đang giành thị phần ở cả hai thị trường này khỏi tay Huawei trong bối cảnh công ty Trung Quốc bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt cấm cài đặt tất cả các dịch vụ của Google trên các điện thoại mới.
Mặc dù Samsung vẫn là “gã khổng lồ” số 1 thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, một số chuyên gia phân tích cho rằng không đáng để mạo hiểm như vậy, vì lợi nhuận trong phân khúc điện thoại giá rẻ không còn hấp dẫn.
Ông Cameron Chung - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Nomura tại Hàn Quốc, nhận định điện thoại giá rẻ giờ đây không khác gì hàng hóa thông dụng và không bõ công tự sản xuất. Nhưng ông cho rằng việc Samsung ký hợp đồng lớn với ODM có thể giúp các ODM cắt giảm chi phí và cải thiện năng lực, kinh nghiệm.
“Nếu các công ty ODM trở nên cạnh tranh hơn, các đối thủ của Samsung cũng sẽ cạnh tranh hơn”, theo ông Tom Kang - một chuyên gia phân tích tại Counterpoint. Ông Kang cũng nêu quan điểm rằng một khi công ty bị mai một năng lực sản xuất điện thoại phân khúc thấp vì thuê ngoài quá nhiều, thì sẽ rất khó để lấy lại bí quyết công nghệ của mình.
Hải Châu