Giá dầu trượt dốc tới 70% trong vòng có hai năm khiến hàng loạt quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải cần đến nguồn tài chính dự trữ để đối phó với thâm hụt ngân sách. SWF sẽ quản lý phần tài sản đầu tư trong nước hiện được nắm giữ bởi Quỹ Đầu tư Kuwait (KIA) để quỹ này tập trung vào danh mục đầu tư quốc tế. Cổ phần trong các công ty trong nước cũng như các dự án điện nước, đều sẽ “dồn” về quỹ mới.
Kuwait còn lên kế hoạch cổ phần hoá các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ công, cắt trợ giá năng lượng trong nước với mục tiêu tăng tính hấp dẫn của các tài sản nói trên trong danh mục đầu tư của quỹ, từ đó hứa hẹn thu hút được nhà đầu tư tiềm năng.
Mặt trận mới với giá dầu
Cuộc khủng hoảng giá dầu tồi tệ mà mới đây suýt chạm đáy 12 năm đã đẩy các quốc gia xuất khẩu dầu Trung Đông lâm vào tình trạng khó khăn và buộc phải nghĩ đến chuyện thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu cũng như trì hoãn hàng loạt dự án đầu tư; thậm chí còn phải phát hành trái phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2007 sau một thập kỷ tưởng chừng “tiêu không hết tiền”.
Tính tới tháng 10/2015, giá trị tài sản nước ngoài ròng của Ảrập Xê-út giảm còn 640 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây, trong khi Bộ trưởng Tài chính Kuwait, ông Anas Al-Saleh đã úp mở về việc chính phủ nước này có thể phải tăng một số loại thuế để bù đắp những thiệt hại do giá dầu gây ra.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các nước xuất khẩu dầu mỏ sau một thời gia dài gom được khối tài sản khổng lồ từ một thập kỷ “vàng đen” lên ngôi đang phải điều chỉnh chiến lược đầu tư nhằm cân bằng lại cấu trúc nguồn thu.
Chỉ trong vòng có hai năm trở lại đây, giá dầu đã trượt dốc tới 70%, buộc hàng loạt quốc gia, từ Na Uy cho tới Ảrập Xê-ut phải dựa vào nguồn tiền đã tích luỹ trước đó trong quỹ dự trữ tài chính để giảm thiểu tình hình thâm hụt ngân sách.
![]() |
Cuộc khủng hoảng giá dầu tồi tệ đã đẩy các quốc gia Trung Đông vào tình trạng khó khăn
Đa dạng hoá nguồn thu
Đầu tháng 1/2016, hãng tin Reuters đưa tin Ảrập Xêut đang tìm kiếm đối tác tư vấn và ngân hàng đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị thành lập một SWF mới để quản lý một phần khối tài sản dầu mỏ cũng như đa dạng hoá danh mục đầu tư. Theo đó, quỹ này sẽ tập trung vào nhiều lĩnh vực phi dầu mỏ như hóa chất hay giao thông vận tải, và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng một hoặc hai năm tới với trụ sở đặt tại New York, Mỹ.
SWF chủ yếu lấy nguồn từ thặng dư xuất khẩu tài nguyên (đặc biệt là dầu mỏ), thặng dư ngân sách từ thuế, dự trữ ngoại hối, huy động trên thị trường tài chính hay chính lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
Mục tiêu cơ bản của SWF là làm sao “tiền đẻ ra tiền” trên cơ sở nguồn dự trữ khổng lồ tích luỹ dần theo năm tháng. Bên cạnh đó, cũng có một số SWF phục vụ chiến lược dài hạn của quốc gia như tìm kiếm các nguồn năng lượng, các ngành công nghiệp, công nghệ quan trọng của các nước phát triển.
Những SWF được xem là lớn nhất thế giới hiện nay có thể kể đến Quỹ đầu tư Abu Dhabi (ADIA), Quỹ Tiền tệ Ảrập Xê-ut (SAMA), Quỹ đầu tư Nauy (GPF), Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC), Quỹ đầu tư Kuwait (KIA), Quỹ đầu tư Trung Quốc (CIC), Quỹ dự trữ Nga, Quỹ đầu tư Qatar (QIA)…
Trong xu hướng đầu tư của SWF ra nước ngoài gần đây nổi lên sự tham gia của Trung Quốc thông qua CIC. CIC được thành lập năm 2007 với nhiệm vụ chính là đầu tư dự trữ ngoại hối vào các tài sản rủi ro nước ngoài để tăng cường xúc tiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Không chỉ đầu tư vào danh mục trái phiếu Mỹ, CIC còn nghiên cứu cả thị trường tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, kim loại quý nhằm thực thi chính sách bảo vệ tài nguyên quốc gia và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các nước giàu tài nguyên thiên nhiên nằm trong tầm ngắm của CIC bao gồm Brazil, Mexico, Canada, các nước Trung Á, Bắc Phi (Libya, Tunisia, Algeria), Nga…
Hùng Anh