Động thái này được đưa ra sau khi các bộ trưởng tài chính EU thảo luận về việc cải cách các quy tắc rửa tiền tại một cuộc họp vào tháng trước.
Quyết ngăn nạn rửa tiền
Trong một tuyên bố chung cuối tuần trước, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và Latvia đã thống nhất rằng 28 nước thành viên EU cần một cơ quan giám sát trung tâm để ngăn chặn những dòng tiền bẩn lưu hành trong hệ thống tài chính của khối qua các hình thức rửa tiền khác nhau.
Động thái này được đưa ra sau khi nhiều ngân hàng tại châu Âu phải ngừng các hoạt động liên quan đến hành vi rửa tiền ở Latvia, Malta và đảo Síp, trong khi các ngân hàng hàng đầu khác của khu vực Baltic và Bắc Âu thì dính líu đến các giao dịch rửa tiền phi pháp của Nga trị giá hàng trăm tỷ euro thông qua chi nhánh ngân hàng Danske Bank ở Estonia mới bị phanh phui. Đây được cho là vụ bê bối rửa tiền tồi tệ nhất trên lục địa già từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, bản tuyên bố cũng khẳng định một cơ quan giám sát chung trên toàn khối là hoàn toàn cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh các cơ quan giám sát của từng quốc gia vẫn “chưa làm tròn nhiệm vụ” phát hiện và ngăn chặn nạn rửa tiền. Đồng thời, một đơn vị như vậy cũng giúp đối phó với nguy cơ các cơ quan giám sát quốc gia bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các tổ chức hoặc nhóm lợi ích mà mình giám sát.
6 quốc gia dự kiến hình thức tổ chức có thể là một cơ quan mới hoàn toàn, hoặc điều chỉnh, nâng cấp từ cơ quan giám sát hiện có là Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA).
Cả 6 nước cũng đồng kêu gọi các quy tắc chống rửa tiền mới trong lần đánh giá thứ 6 các quy định của lĩnh vực này. Nhiều điều chỉnh vốn đã được các nước EU thống nhất chỉ mới 1 năm trước, nhưng nay đã bị 6 quốc gia cho rằng không còn phù hợp.
Cụ thể, 6 nước đề xuất nên sáp nhập các quy tắc hiện hành thành một bộ luật chung duy nhất áp dụng trực tiếp cho tất cả các quốc gia EU, thay thế cơ chế hiện hành là cho phép các nước điều chỉnh những quy tắc rửa tiền chung của EU khi áp dụng tại nước mình. Từ đó hạn chế được nguy cơ một số nước cố tình áp dụng các quy tắc một cách khoan dung nhằm thu hút các công ty tài chính về nước mình.
![]() |
Đan Mạch Danske Bank tại Estonia được cho là đã tiếp tay cho hoạt động rửa tiền |
Câu chuyện không quá mới
Động thái này được đưa ra sau khi các bộ trưởng tài chính EU thảo luận về việc cải cách các quy tắc rửa tiền tại một cuộc họp vào tháng trước. Dự kiến, một lập trường chung của EU về vấn đề này sẽ được thông qua trong cuộc họp khác vào tháng 12 tới. Trong tháng 10, quốc gia lãnh đạo khối vào thời điểm hiện tại là Phần Lan cũng đã chuẩn bị một bản dự thảo của tuyên bố để thông qua vào tháng 12, trong đó kêu gọi những thay đổi tương tự như trong tuyên bố từ 6 quốc gia.
Tuy nhiên, động thái lần này vẫn đánh dấu sự thay đổi lớn trong góc nhìn từ Đức. Trong lần cải cách đề xuất trước đó, Berlin từng phản đối những thay đổi đầy tham vọng, thì nay lại quay sang ủng hộ và đề xuất đưa vào kế hoạch lần này. Các nước khác như Pháp, Italia và Tây Ban Nha thì từ lâu đã kêu gọi các quy định mạnh mẽ hơn đối với hoạt động rửa tiền.
Riêng đối với những thay đổi của EBA, đề xuất mới này diễn ra chỉ vài tháng sau khi các nước thành viên EU thống nhất điều chỉnh chức năng của EBA, thêm nhiều quyền hạn mới để giải quyết vấn nạn rửa tiền. Dường như những cải cách này đã nhanh chóng bị cho là vẫn chưa có đủ sức mạnh cần thiết.
Thời gian qua, nạn rửa tiền đã trở thành một vấn đề rất nóng tại châu Âu. Mới đây nhất, chi nhánh của ngân hàng Đan Mạch Danske Bank tại Estonia được cho là đã tiếp tay cho hoạt động rửa tiền có nguồn gốc từ Nga với giá trị hơn 200 tỷ euro. Một loạt ngân hàng lớn khác như Swedbank của Thụy Điển, Deutsche Bank của Đức được cho là cũng có liên quan.
Còn như trường hợp như ABN Amro, ngân hàng lớn thứ 3 của Hà Lan, hồi tháng 9 vừa qua cũng bị cáo buộc không kịp thời báo cáo nhiều giao dịch đáng ngờ, trong đó có những giao dịch liên quan đến mạng lưới tài trợ khủng bố.
Hải Châu