![]() |
Các hãng hàng không Anh muốn được ưu tiên khi đàm phán Brexit
Các hãng hàng không có trụ sở tại các quốc gia là thành viên của EU sẽ được phép mở các đường bay từ một quốc gia khác tới các quốc gia trong khối mà không bị bất kỳ cản trở nào. Tuy nhên, với việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu. Đặc quyền này của các hãng hàng không Anh có thể bị gỡ bỏ.
“Khả năng giao thông hàng không giữa Anh và châu Âu bị đình trệ một khoảng thời gian sau thời điểm tháng Ba năm 2019 là hoàn toàn có thể xảy ra.” giám đốc tiếp thị của Ryanair, ông Kenny Jacobs, cho biết.
Các hãng hàng không giá rẻ ở Anh, đặc biệt là EasyJet, có trụ sở tại Luton, nằm trong số những hãng bay bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Brexit vì họ thường mở cả những đường bay giữa các quốc gia thành viên EU chứ không gói gọn các chuyến bay khởi hành hoặc đến Anh.
EasyJet cũng cho hay họ đang gấp rút xin giấy phép để thành lập một công ty con có trụ sở trong đại lục để bảo toàn các chuyến bay nội hạt trong EU hiện nay của hãng. Trong khi đó, trụ sở chính hãng bay này sẽ vẫn được đặt ở Anh.
Ông Jacobs cho biết thỏa thuận hàng không giữa Anh và EU cần phải được hoàn thành càng sớm càng tốt vì tất cả các hãng hàng không đều cần phải hoàn thành kế hoạch mùa hè năm 2019 trong nửa đầu năm tới.
Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố nước này muốn quay trở lại đàm phán các thoả thuận theo quy tắc Tổ chức Thương mại Thế giới hơn là chấp nhận một thỏa thuận tồi với nước Anh, lĩnh vực hàng không lại không thuộc phạm vi WTO, điều này dấy lên một sự bất an không nhỏ đối với nhiều người.
Các sân bay ở nhiều quốc gia châu Âu cũng đã kêu gọi các bên liên quan cần thảo luận về một kế hoạch dự phòng. Nhiều nước như Đức đã tính đến việc trở lại các thỏa thuận hàng không song phương như hồi năm 1955.
Tuy nhiên, không phải hãng hàng không nào cũng muốn đẩy vấn đề hàng không lên hàng đầu trong danh sách các cuộc đàm phán Brexit. Hiệp hội hàng không Đức BDL cho biết họ ủng hộ quan điểm của chính phủ Đức về việc không cho phép đàm phán lĩnh vực này tại các cuộc họp Brexit và Giám đốc điều hành Lufthansa, ông Carsten Spohr , cho biết ông hy vọng chính phủ Pháp và Đức sẽ không đồng ý với điều trên.
Một vấn đề khác đối với các hãng hàng không là cơ cấu sở hữu. Tính đến thời điểm năm 2016, cổ đông của Ryanair có 53,6% số người là công dân các quốc gia EU đã bao gồm 20% cổ đông là người Anh. Điều này có nghĩa là số cổ đông là người quốc gia khác chỉ có 33,6%. Nếu Anh rời khỏi EU, con số này không vượt quá 50% và sẽ vi phạm điều luật sở hữu của EU.
Tuy nhiên, ông Jacobs nói với Reuters rằng ông không lo ngại về điều này do các nhà đầu tư có thể hợp pháp hóa số cổ phiếu của mình thông qua chuyển nhượng cổ phần hoặc lập thêm quốc tịch.
Chí Hiếu