Ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc, nhưng Facebook hẳn là không còn lòng dạ nào mà vui vẻ khi bị cổ đông đâm đơn kiện tập thể lên tòa án liên bang ở San Francisco vì gây ra thiệt hại tài chính cho họ, sau khi để cho Cambridge Analytica lấy được thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng.
Nỗi buồn trong ngày Hạnh phúc
Cambridge Analytica là một công ty có trụ sở tại Anh, từng tham mưu cho ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016,
Từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu Facebook đã giảm tới hơn 9%, trong đó sụt 5,2% hôm thứ Hai, xuống còn 175,41 USD, xóa “sạch sành sanh” những gì đạt được tăng từ đầu năm đến giờ và là phiên giảm mạnh nhất kể từ hôm 12/1.
Sang ngày thứ Ba, sau khi Bloomberg đưa tin Facebook đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) điều tra, cổ phiếu của hãng này tiếp tục giảm 2,6%, đóng cửa 168,15 USD.
Bên nguyên trong vụ kiện là những “nạn nhân đen đủi” đã mua cổ phiếu Facebook từ ngày 3/2/2017, thời điểm Facebook nộp báo cáo hàng năm và có đề cập đến các lỗ hổng bảo mật và truy cập trái phép dữ liệu người dùng, cho đến ngày 19/3/2018, hai ngày sau khi tờ New York Times tiết lộ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân gây chấn động.
Dù Facebook một mực khẳng định đã thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ thông tin người dùng và sẵn sàng chứng minh điều này, song nhà đầu tư vẫn cho rằng trong suốt thời gian đó, công ty đã “nói một đằng, làm một nẻo”, đưa ra các tuyên bố gây hiểu nhầm và không tiết lộ việc đã vi phạm chính sách bảo mật dữ liệu khi cho phép bên thứ ba truy cập vào dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ.
Darren Robbins - một luật sư chuyên về các vụ kiện tập thể trong lĩnh vực chứng khoán, nhận định vụ kiện này sẽ gây khá nhiều “phiền toái” cho Facebook nói riêng và cả nước Mỹ nói chung.
Thứ nhất, Facebook có khả năng còn sai phạm ở một số khía cạnh khác. Và, vụ việc này sẽ khiến Facebook bị để ý nhiều hơn.
Thứ hai là dù phán quyết đưa ra quy trách nhiệm thuộc về của người sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước hay nhà đầu tư, thì tầm ảnh hưởng quá lớn của Facebook trong cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ là điều rất đáng bận tâm.
Cổ phiếu Facebook ngay lập tức sụt giảm mạnh
Ngồi trên đống lửa cháy to dần
Sự cố mới nhất này tiếp tục nối dài những thất vọng của công chúng đối với cách thức mà mạng xã hội lớn nhất thế giới đang “bảo quản” thông tin của họ, nhất là khi những gì được coi là riêng tư lại bị lợi dụng để phục vụ cho mục đích chính trị, mà cụ thể ở đây là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Trước đó, Facebook vốn đã “ngồi trên đống lửa” khi bị chỉ trích vì để cho các thông tin giả mạo, các phát ngôn thù hận được tự do phát tán tràn lan.
Theo tờ New York Times, khởi nguồn của bê bối là việc giáo sư người Anh - ông Aleksandr Kogan, mời mọi người tham gia một bài kiểm tra nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học. Với 270.000 người đăng ký, vị giáo sư này có thể tiếp cận vào dữ liệu cá nhân của họ và của cả bạn bè người thân nữa, tổng cộng lên tới 50 triệu người.
Nếu chỉ dừng ở đó thôi thì chẳng “nên chuyện”, vì nó không vi phạm quy định của Facebook (người dùng đã chủ động cung cấp thông tin của họ, không có hành động xâm nhập hệ thống nào, mật khẩu cũng không bị đánh cắp).
Đằng này, thay vì “mục đích học thuật” nào đó, khối dữ liệu khổng lồ lại được chuyển cho Cambridge Analytica để phục vụ các hoạt động tranh cử của ông Trump. Khi phát hiện ra vụ việc vào năm 2015, Facebook đã chặn quyền truy cập của ông Kogan và yêu cầu Cambridge Analytica xóa các dữ liệu liên quan.
Chỉ khi đến gần đây, Facebook mới tá hỏa vì biết rằng thông tin nhạy cảm vẫn nằm trong máy tính của Cambridge Analytica.
Hải Châu