Ngày 7/1, các quan chức Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán thương mại tại Bắc Kinh |
1. Tài sản trí tuệ: Một trong những vấn đề gai góc nhất của đàm phán thương mại Mỹ - Trung là cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ các công nghệ nhạy cảm và đánh cắp tài sản trí tuệ. Vấn đề này được xem là chìa khóa cho việc hai bên có thể đạt thỏa thuận thương mại hay không.
2. Huawei và công nghệ 5G: Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei từ lâu vẫn phủ nhận cáo buộc của Mỹ và một số nước phương Tây khác cho rằng Huawei tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp được Bắc Kinh tài trợ.
3. Chiến lược “Made in China 2025”: Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc nhằm mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia sản xuất tiên tiến đi đầu thế giới trong 10 ngành đang nổi lên trong đó có robot (người máy), xe năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Tham vọng công nghiệp này của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại.
4. Năng lượng: Căng thẳng thương mại đã phá vỡ khả năng đạt một thỏa thuận hấp dẫn cho cả Mỹ và Trung Quốc: Mỹ đang trở thành một quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn, trong khi Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Các công ty dầu lửa Mỹ cũng muốn có được sự bảo đảm từ Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ không áp thuế trả đũa lên dầu thô Mỹ.
5. Hàng hóa nông nghiệp: Giới đầu tư đang chờ xem liệu Trung Quốc có dỡ thuế quan trả đũa đối với hàng nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương, ngô, bông, cao lương và thịt lợn. Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên các mặt hàng này đã khiến các bang nông nghiệp của Mỹ điêu đứng.
6. Thuế quan ôtô: Năm ngoái, Trung Quốc áp thuế quan trả đũa 25% lên xe hơi nhập từ Mỹ, nhưng mới đây đã tạm dỡ thuế này từ ngày 1/1 để thể hiện thiện chí trước đàm phán.
7. Quyền tiếp cận thị trường cho các ngân hàng: Trung Quốc đã cam kết sẽ gia tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty tài chính nước ngoài.
Lê Minh