Bất chấp Brexit, London vẫn là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới
Việc rời khỏi khối thương mại EU của Anh đã dẫn tới một số chính trị gia và nhà kinh tế dự đoán London sẽ đánh mất vị thế nổi bật như một trung tâm tài chính của mình, nhưng có những dấu hiệu cho thấy điều đó vẫn không xảy ra.
Theo khảo sát, London vẫn được xếp vị trí thứ nhất, tiếp theo là New York, Hồng Kông và Singapore theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen, chỉ số xếp hạng 92 trung tâm tài chính theo các yếu tố như cơ sở hạ tầng và sự tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao. New York đạt 24 điểm, đứng sau thủ đô nước Anh, tạo nên một khoảng cách lớn nhất giữa hai thành phố này kể từ cuộc khảo sát được bắt đầu năm 2007.
Thứ hạng của New York đã giảm 24 điểm so với năm ngoái, mức giảm lớn nhất so với những đối thủ hàng đầu mà theo đánh giá từ tác giả của cuộc khảo sát là “có lẽ do những lo ngại về tình hình thương mại của Mỹ”. Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã đưa nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương và theo đuổi một chính sách kinh tế độc lập hơn.
Tuy nhiên, với kết quả từ cuộc khảo sát, nhóm vận động tài chính quyền lực nhất của Anh, TheCityUK, đã cảnh báo chống lại sự tự mãn và kêu gọi rõ ràng về các thỏa thuận chuyển giao rời khỏi EU, sẽ áp dụng sau tháng 4/2019, khi nước Anh chính thức rời khỏi khối này.
Kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 6/2017, các buổi đàm phán giữa Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis, với người đồng cấp đối nghịch với ông tại Ủy ban châu Âu, Michel Barnier, ngày càng trở nên gay gắt.
Lê Minh