Sau khi chuyển nhượng xong mảng kinh doanh cốt lõi là internet, phần còn lại của Yahoo sẽ được đổi tên thành Altaba, với số thành viên HĐQT rút gọn từ 11 xuống còn 5. Atlaba vẫn nắm giữ số cổ phần của Yahoo trong Yahoo! Japan và Alibaba Group Holding.
Tinh giản ban lãnh đạo
Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc này hiện cũng sở hữu lượng lớn cổ phần của Yahoo. Có lẽ đó là lý do mà theo một số nguồn thông tin, cái tên Atlaba được ghép từ “alternate” và “Alibaba”. Được biết, sau khi Verizon mua lại Yahoo, các hoạt động của Yahoo vẫn diễn ra một cách bình thường và như một công ty độc lập.
Sau khi 6 thành viên HĐQT rút đi, ban lãnh đạo Yahoo vẫn còn Tor Braham, Eric Brandt, Catherine Friedman, Thomas McInerney và Jeffrey Smith ở lại với Atlaba sau khi Verizon vào tiếp quản. Ông Brandt - người mới gia nhập ban lãnh đạo Yahoo hồi tháng 3/2016 và từng là Giám đốc tài chính của Broadcom Corp, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT Atlaba, để bảo đảm quá trình chuyển đổi công ty diễn ra suôn sẻ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh thương vụ Verizon mua lại Yahoo bỗng trở nên bấp bênh sau những scandal đánh cắp dữ liệu tài khoản người dùng Yahoo vừa được tiết lộ cách đây không lâu. Sau khi Yahoo thừa nhận hacker đã đánh cắp dữ liệu của hơn 1 tỷ khách hàng từ tháng 8/2013, trước đó nữa, là một cuộc tấn công khác nhằm vào 500 triệu tài khoản, thì Verizon thực sự quan ngại.
![]() |
Verizon - dấu chấm hết cho một triều đại mang tên Yahoo
Yahoo cho biết Verizon có thể sẽ đàm phán lại các điều khoản sáp nhập, hoặc thậm chí là “bỏ kèo”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá trị của Yahoo phần lớn nằm ở số cổ phần trong Alibaba và Yahoo! Japan, chứ không phải là những gì bán cho Verizon. Gọi là mảng kinh doanh cốt lõi thì nghe có vẻ “oai”, chứ thực sự thì các dịch vụ internet của Yahoo chỉ mang lại 10% giá trị thị trường của công ty này, trong khi hai khối cổ phần đang nắm giữ đóng góp lần lượt tới 61% và 13% giá trị.
Dấu mốc mới của nữ CEO
Trong số những người từ chức, đáng lưu ý có nhà đồng sáng lập Yahoo - ông David Filo và cựu Chủ tịch HĐQT ông Maynard Webb, cũng như CEO bà Marisa Mayer. Với những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của Yahoo, ông Webb được ghi nhận là Chủ tịch danh dự. Ba người còn lại là Jane Shaw (chuyên gia dược phẩm), Eddy Hartenstein (chuyên gia truyền thông) và Richard Hill, cựu Giám đốc điều hành Novellus Systems.
Trường hợp của bà Mayer thu hút nhiều sự quan tâm hơn, bởi đây có thể là dấu mốc cho một chặng đường mới và cũng là lối thoát cho giai đoạn điều hành Yahoo đầy gian nan của một trong những nữ lãnh đạo trẻ nhất Silicon Valley. Tuy không còn là thành viên HĐQT, nhưng bà Marissa Mayer dự kiến vẫn sẽ đảm đương một vai trò điều hành ở Yahoo.
Bà Mayer gia nhập Yahoo vào tháng 7/2012, với nhiệm vụ thay đổi một trong những công ty công nghệ lớn nhất nhưng cũng già cỗi nhất trên thế giới. Kể từ khi nữ CEO 41 tuổi này lên nắm quyền, hệ thống kinh doanh của Yahoo đã được đơn giản hóa một cách đáng kể, cơ cấu nhân sự bớt cồng kềnh hơn, còn các sản phẩm trực tuyến của Yahoo cũng được chăm chút đổi mới hơn.
Tuy nhiên, với mảng kinh doanh cốt lõi là điều hành các website và bán quảng cáo, Yahoo ngày càng đuối sức, khi người dùng chuyển sang dùng smartphone và sử dụng dịch vụ của những đối thủ “sinh sau đẻ muộn” nhưng lớn nhanh như thổi là Google hay Facebook.
Lý do chính khiến Verizon theo đuổi một doanh nghiệp “vừa già vừa yếu” như Yahoo nằm ở chỗ thị trường mạng không dây của Mỹ đang suy thoái, buộc doanh nghiệp viễn thông phải chi mạnh tay vào đầu tư quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Trong khi đó, Yahoo sở hữu Flickr, Tumblr và Yahoo Finance cùng một số công nghệ kỹ thuật số, quảng cáo hữu ích như Flurry và BrightRoll. Nếu thâu tóm Yahoo, Verizon sẽ có thêm khoảng 200 triệu khách hàng truy cập trực tuyến từ Yahoo, đồng thời có thêm nhiều dữ liệu cho phép họ nghiên cứu thói quen online của người dùng cá nhân, từ đó định hướng quảng cáo đến đúng đối tượng khách hàng hơn.
Hải Châu