Nhiều ngân hàng của Anh hiện nay khá chuộng nhân viên Ba Lan. Bởi họ không đòi hỏi cao về lương bổng, mặc dù đa phần tốt nghiệp đại học. Khả năng kết nối của Ba Lan với các thị trường khác trong EU cũng được đánh giá là rất thuận tiện.
Sang Anh kéo đối tác
Phó Thủ tướng Ba Lan - ông Mateusz Morawiecki, với kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngân hàng, sẽ đến London vào thứ Năm tuần này cùng hàng loạt chính sách ưu đãi để chào mời một số nhà băng lớn trong thành phố, mà trước đó đã bày tỏ ý định chuyển địa bàn hoạt động khỏi nước Anh.
Ông Morawiecki cho biết: “Nhiều lãnh đạo ngân hàng đã tiếp xúc với chúng tôi... Rõ ràng là ngày càng nhiều ngân hàng muốn rời khỏi London”. Các bên đã tiến hành một số cuộc đàm phán, mà bước đầu sẽ là chuyển khối hành chính, văn phòng sang Ba Lan.
Theo thông tin trên tờ Financial Times, ông Morawiecki đã sắp sẵn lịch trình các cuộc họp với Giám đốc cấp cao của Royal Bank of Scotland, UBS, Barclays, BNP Paribas, Citibank, Credit Suisse, các quỹ đầu tư Schroders, Pimco, BlackRock… trong chuyến thăm này. Ngoài ra, ông Morawiecki cũng sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox.
Ba Lan sẵn sàng tung ra một loạt gói ưu đãi cho các ngân hàng và quỹ đầu tư, như tài trợ các chương trình đào tạo nhân viên mới, điều chỉnh nội dung các chương trình cấp đại học theo hướng chú trọng tới công nghệ thông tin và kỹ năng tài chính đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng nước ngoài…
Hiện nay, hơn 200.000 người có việc làm tại Ba Lan đang công tác ở nước ngoài, với 1/4 trong số đó làm cho các ngân hàng quốc tế.
![]() |
Varsaw sẽ thành trung tâm tài chính mới của châu Âu?
Nhiều ngân hàng của Anh khá chuộng nhân viên Ba Lan, điển hình như UBS có tới 3.000 nhân sự tại thành phố Krakow, Credit Suisse tuyển 4.000 nhân viên ở Wroclaw; nhiều hơn nữa là Citi ở thủ đô Warsaw và Royal Bank of Scotland với lần lượt là 5.000 và 7.000 người.
Kể từ sau Brexit, nhiều thành phố như Paris, Frankfurt, Amsterdam và Dublin đã lên kế hoạch “chèo kéo” các ngân hàng ở London về phía mình. Những thành phố này tin rằng, với việc nước Anh không còn đủ điều kiện để các định chế tài chính được phép thoải mái hoạt động xuyên biên giới nữa, thì nhiều tổ chức sẽ phải ra đi tìm “nơi ở mới”.
Cuộc chạy đua sau lưng nước Anh
Pháp được cho là đang có những nỗ lực đồng bộ nhất, với nhiều hứa hẹn “trải thảm đỏ”. Giảm thuế thu nhập tới 50%, tăng thời gian miễn thuế đối với tài sản nước ngoài từ 5 năm lên 8 năm, gia hạn thời gian giãn thuế doanh nghiệp tới hết năm 2017, cho phép khấu trừ chi phí nghiên cứu phát triển khỏi thu nhập chịu thuế… là những gạch đầu dòng trong chính sách “mồi” mà nước Pháp sẽ áp dụng để “câu” nhà đầu tư ngoại nói chung và ngân hàng Anh nói riêng.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls tự tin khẳng định cả châu Âu sẽ chẳng có nước nào có thể chế tài chính hào phóng được như thế và việc “Paris trở thành một trung tâm tài chính chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của nước Pháp”.
Ngoài đối thủ nặng ký Paris, Varsaw cũng cần phải lưu ý đến chiến thuật của một số thành phố chủ chốt khác. Frankfurt - nơi có lợi thế là địa điểm đặt trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu, đã xây dựng một trang web và đường dây nóng để hỗ trợ những cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu thông tin.
Cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Ireland thì gửi thư cho hơn 1.000 nhà đầu tư để thuyết phục. Đảng Dân chủ Tự do của Đức, vốn có xu hướng ủng hộ giới doanh nghiệp, không ngần ngại chi tiền cho một chiếc xe tải đầy màu sắc chạy khắp London với câu khẩu hiệu: “Các bạn khởi nghiệp thân mến, cứ bình tĩnh và hãy đến với Berlin”.
Hải Châu