Gần nửa thế kỷ sau, chính phủ mới đắc cử của Australia dự định tiếp tục sử dụng nhà máy Snowy Hydro này làm mũi nhọn trong một “sự nghiệp đổi mới” khác của ngành năng lượng bằng cách biến nó thành một “bình ắc quy nước” khổng lồ tạo ra năng lượng tái tạo cho mạng lưới điện quốc gia, giảm dần sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thêm một “sự nghiệp đổi mới”
Paul Broad - Giám đốc điều hành của Snowy Hydro, là người đã thuyết phục chính phủ mở rộng dự án với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đô la Australia (AUD) cho dù ý tưởng này từng bị cất vào ngăn kéo cách đây 10 năm vì bị cho là quá tốn kém và rủi ro. “Chúng tôi đang đặt cược vận mệnh của cả công ty. Không thể có năng lượng tái tạo nếu không có cơ sở lưu trữ đáng tin cậy và cách lưu trữ tốt nhất chính là nước”.
Thủy điện tích năng (Pumped hydro storage - PHS) là một công nghệ có tuổi đời cả thế kỷ, đáp ứng khoảng 95% năng lực lưu trữ năng lượng trên toàn thế giới kết nối với hệ thống lưới điện.
Cơ chế hoạt động của nó là sử dụng năng lượng dư thừa hoặc giá rẻ vào thời điểm thấp điểm để bơm nước vào các lưu vực nước đang dâng cao, trước khi xả nước trở lại để sản xuất điện khi nhu cầu và giá điện ở mức cao nhất.
Nhu cầu lưu trữ dự kiến sẽ tăng nhanh với việc năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều hơn; và mặc dù pin lithium đang ngày càng phổ biến thì PHS được cho là vẫn giữ vai trò xương sống trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo.
Những người ủng hộ cho rằng PHS là giải pháp từ thế kỷ XX cho bài toán của thế kỷ XXI: đó là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách và cung cấp điện liên tục trong bối cảnh các nguồn năng lượng gió và mặt trời phụ thuộc vào sự thất thường của thời tiết. Đối với họ, Snowy 2.0 - dự kiến hoàn thành vào năm 2025 - sẽ khuyến khích các quốc gia khác chuyển sang sử dụng lưới điện “xanh” 100%.
Đây là trọng tâm trong chính sách năng lượng của Australia mà các đảng đối lập, doanh nghiệp và tổ chức vì môi trường chỉ trích là thiếu tính gắn kết và nhất quán.
Liên minh bảo thủ, đứng đầu là Thủ tướng Scott Morrison, vẫn ủng hộ việc sử dụng than (than góp phần tạo ra 60% điện năng của Australia và là nguồn thu xuất khẩu lớn nhất năm ngoái với trị giá 69 tỷ AUD). Tuy nhiên, khoản đầu tư 31 tỷ AUD vào năng lượng tái tạo kể từ năm 2017 đang thay đổi cơ cấu năng lượng của quốc gia này.
![]() |
Snowy Hydro - một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất của Australia |
Bổ trợ cho năng lượng tái tạo
Hơn 20% điện năng của Australia được tạo ra bởi năng lượng tái tạo. Trong 2 năm qua, nước này đã triển khai sản xuất năng lượng mặt trời và gió nhanh hơn tới 5 lần so với Mỹ, Trung Quốc hoặc EU trên cơ sở bình quân đầu người.
Tuy nhiên, việc giảm sử dụng than đá để chuyển sang năng lượng gió và mặt trời vốn thất thường, kết hợp với một số điểm yếu trong đường dây truyền tải và thiếu cơ sở lưu trữ, đã khiến hệ thống điện có phần mong manh.
Điển hình là sự cố cắt điện toàn tiểu bang ở Nam Australia vào năm 2017 và mất điện ở Victoria vào tháng 1 năm nay đã cho thấy hệ thống điện quốc gia chưa đủ sức cáng đáng khoảng thời gian cao điểm.
Đã có những ý kiến kêu gọi xây dựng một nhà máy điện than mới để ổn định hệ thống điện nhưng sự ủng hộ dành cho một dự án gây tranh cãi như vậy là không nhiều. Ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, chính phủ Australia phải tìm tới Snowy Hydro để bổ sung năng lực lưu trữ năng lượng nhằm hỗ trợ lưới điện trong điều kiện thiếu ánh nắng hay trời lặng gió.
“Australia là một trong những quốc gia đầu tiên hướng tới một hệ thống năng lượng tái tạo chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời và gió, vì vậy theo một nghĩa nào đó, chúng tôi là người mở đường tới một tương lai năng lượng mặt trời và gió. Snowy Hydro rất quan trọng vì nếu chúng ta không bổ sung năng lực lưu trữ năng lượng thì hệ thống điện sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng vào những năm 2020”, theo ông Andrew Blakers - giáo sư Đại học Quốc gia Australia.
Hải Châu