Với thương vụ này, AT&T sẽ trở thành cái tên mới nhất tham gia "cuộc đua của những gã khổng lồ viễn thông".
Hồi tháng 2, Comcast đã thâu tóm Time Warner Cable với chi phí 45 tỷ USD, trở thành nhà cung cấp truyền hình cáp và truy cập Internet tốc độ cao lớn nhất nước Mỹ. Còn Sprint, công ty con của đại gia viễn thông Nhật Bản SoftBank cũng không giấu giếm tham vọng sáp nhập với T-Mobile USA để tạo thành đối trọng với Verizon và AT&T.
Sự bổ sung đáng kể
Hoạt động mua bán hợp nhất sôi nổi trong lĩnh vực viễn thông có thể làm đau đầu cơ quan quản lý của Mỹ, trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng dịch vụ truyền hình và Internet quốc gia đang dần tập trung vào bàn tay của số ít công ty.
Đối với người tiêu dùng, thương vụ giữa AT&T và DirectTV thoạt nhìn có thể không gây nên biến động gì đáng chú ý bởi 2 công ty này hầu như không giẫm chân lên nhau. Song trong mắt một số nhà phân tích thì có nhiều câu hỏi được đặt ra. Truyền hình trả tiền bị cho là đã bão hòa với tốc độ tăng trưởng thuê bao giảm mạnh những năm gần đây. Tuy nhiên, DirectTV đã cố gắng bù đắp bằng cách đẩy mạnh dịch chuyển sang lĩnh vực an ninh gia đình và dữ liệu di động cho xe ô tô.
Bằng cách mua lại nhà khai thác truyền hình vệ tinh lớn nhất của Mỹ, AT&T sẽ có thêm sức mạnh trong việc đàm phán với các công ty truyền thông và trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn thứ hai cả nước, chỉ sau Comcast. AT&T có khoảng 5,7 triệu khách hàng truyền hình thông qua dịch vụ U-verse, trong DirectTV có khoảng 20,3 triệu khách hàng tại Hoa Kỳ.
DirecTV cũng sẽ thúc đẩy các nguồn lực tài chính của AT&T khi tiếp tục đầu tư vào băng thông rộng không dây, dự kiến bao gồm gói thầu tối thiểu 9 tỷ USD cho mạng không dây trong cuộc đấu thầu sắp tới của chính phủ. Riêng trong năm 2013, dòng tiền mặt mà DirectTV tạo ra lên tới 2,6 tỷ USD. Việc mua lại DirecTV cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của AT&T ở Mỹ Latinh, nơi mà công ty truyền hình vệ tinh đã có hơn 18 triệu khách hàng và dự kiến còn tăng trưởng đáng kể khi nhiều hộ gia đình đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền.
Rút kinh nghiệm từ quá khứ
Theo các điều khoản của thỏa thuận, AT&T phải trả 95 USD/cổ phần bằng cả cổ phiếu và tiền mặt, tức là cao hơn 10% so với giá đóng cửa DirecTV hôm thứ Sáu tuần trước và cao hơn 30% so với thời điểm trước khi thông tin về thương vụ này được tiết lộ.
Sau khi tính gộp cả phần nợ của DirecTV, thỏa thuận mua lại được chốt ở mức xấp xỉ 67,1 tỷ USD. Cổ đông hiện hữu của DirecTV sẽ được sở hữu 15 – 16% cổ phần công ty sau hợp nhất kể từ thời điểm hoàn tất thỏa thuận, dự kiến khoảng một năm sau đó.
Đây là thương vụ lớn nhất của AT&T trong nhiều năm qua sau thời gian dài săn lùng mục tiêu để sáp nhập nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ba năm trước, AT&T từng phải bỏ ngang kế hoạch 39 tỷ USD mua lại T-Mobile do vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà lập pháp chống độc quyền vì lo ngại sẽ làm giảm số lượng nhà cung cấp dịch vụ điện thoại không dây trên thị trường.
Giới phân tích nhận định lần này AT&T ít phải đối mặt với căng thẳng từ chính phủ hơn bởi cơ quan quản lý có vẻ đang chờ đợi thị trường xuất hiện thêm đối trọng với Comcast.
AT&T cũng đã rút tỉa được bài học được từ thương vụ bất thành trong quá khứ. Nếu thỏa thuận với DirectTV không đi đến đâu thì AT&T không mất một khoản phí nào. Ba năm trước, công ty này đã phải "cắn răng" trả cho T-Mobile 6 tỷ USD.
Nhưng chưa rõ liệu các nhà đầu tư có hào hứng với sự kiện này hay không bởi họ vẫn đặt ra câu hỏi về sự phù hợp trong chiến lược khi truyền hình vệ tinh là công nghệ đang thoái trào và không nhìn thấy một tương lai dài hơi trong đó.
AT&T dự định sẽ huy động tiền mặt hiện có, vay nợ và bán một số tài sản để có đủ tài chính cho thương vụ này. Để giúp giảm bớt lo ngại pháp lý ở Mỹ Latinh, AT&T lên kế hoạch bán khoảng 8% cổ phần trong América Móvil, một đế chế viễn thông nằm trong tay tỷ phú Carlos Slim Helu.
Hùng Anh