Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định sau phán quyết trên, Bộ này sẽ không tiếp kháng án, chính thức chấm dứt vụ kiện chống độc quyền dài hơi này.
Trong phán quyết, tòa án nêu rõ Chính phủ Mỹ không cân nhắc đến việc ngành công nghiệp này đã trở nên năng động trong những năm gần đây với sự trỗi dậy của các dịch vụ trực tuyến như Netflix và Hulu.
AT&T và Time Warner thắng vụ kiện chống độc quyền (Ảnh: Internet) |
Trước đó, thỏa thuận sáp nhập trị giá 85 tỷ USD đã đưa mạng lưới điện thoại cố định và không dây, cùng dịch vụ truyền hình trả tiền DirecTV của AT&T về chung một mái nhà với hãng tin CNN, các kênh truyền hình cáp như Turner, Cartoon Network, HBO và hãng phim Warner Bros của Time Warner.
Cuối năm 2017, Chính phủ Mỹ đã khởi kiện vì cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp AT&T có quá nhiều quyền hạn trên thị trường truyền hình trả tiền và giải trí tại nhà.
Chính phủ Mỹ tin rằng sự kết hợp của hai công ty sẽ khiến họ có quyền từ chối cung cấp những chương trình quan trọng cho đối thủ, để từ đó nâng giá đối với khách hàng.
Năm ngoái, Thẩm phán tòa án sơ thẩm Richard Leon tuyên bố Chính phủ Mỹ đã không chứng minh được việc thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường.
Mới đây nhất, Thẩm phán Judith Rogers của tòa phúc thẩm cũng ủng hộ quyết định trên, cho rằng ngành công nghiệp đang trải qua sự thay đổi to lớn do nhu cầu dịch vụ xem video và các đối thủ liên tiếp tung ra những gói kênh hấp dẫn để hút khách.
Theo tòa phúc thẩm, Bộ Tư pháp đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy phí truyền hình cho khách hàng sẽ bị tăng lên.
AT&T đã hoan nghênh phán quyết trên. Trước đó, AT&T khẳng định thỏa thuận này sẽ không gây quan ngại về tính độc quyền, do hai công ty này không hề cạnh tranh trên thị trường và sẽ không làm ảnh hưởng đến thị phần hiện nay.
VT