Nhà sản xuất iPhone đã lên kế hoạch chi 30 tỷ USD tại Mỹ trong 5 năm, thuê thêm 20.000 lao động cho các văn phòng, nhà máy hiện có và cho cả một khu làm việc mới sắp xây dựng. Giám đốc điều hành Tim Cook cũng khẳng định, công ty sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có thể có tác động trực tiếp đến tạo việc làm.
Áp lực phải “trở về”
Tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã bãi bỏ một chính sách thuế cho phép các công ty được hoãn nộp thuế đối với phần thu nhập ở nước ngoài cho đến khi chuyển tiền về Mỹ.
Quy định này trước đó bị xem là một lỗ hổng lớn trong hệ thống thuế của Mỹ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, trong đó có Apple, “găm” số lợi nhuận khổng lồ lên tới khoảng 3,1 nghìn tỷ USD ở đâu đó bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, theo quy định mới, thu nhập mà doanh nghiệp tích lũy ở nước ngoài sẽ bị đánh thuế 15,5% đối với tiền mặt và 8% đối với tài sản kém thanh khoản hơn. Nghĩa vụ thuế có thể được trả dần trong 8 năm. Đây được xem là một mũi tên trúng hai đích: Vừa giúp tăng thu thuế cho ngân sách, vừa thúc đẩy các công ty chuyển tiền về nước để đầu tư; và Apple là một trường hợp như vậy.
Apple phải chịu áp lực khá lớn kể từ thời điểm ông Donald Trump, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đã chỉ trích công ty vì quá chú trọng đặt nhà máy sản xuất tại châu Á thay vì tạo cơ hội làm việc cho người dân Mỹ. Dù vẫn không có ý định thay đổi cách làm đó (và việc sản xuất iPhone tại Mỹ cũng không khả thi về mặt kinh tế) song Apple đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tác động lan tỏa mà mình có thể tạo ra cho kinh tế Mỹ.
Là công ty Mỹ có lượng tiền mặt ở nước ngoài nhiều nhất với khoảng 252 tỷ USD tính tới cuối tháng 9/2017, Apple sẽ chuyển phần lớn tiền mặt ở nước ngoài về Mỹ, chỉ để lại một phần nhỏ cho các khoản đầu tư quốc tế, ví dụ như hệ thống cửa hàng bán lẻ. Cộng “tất tần tật” lại thì dòng tiền “đóng góp cho quê hương” trong 5 năm tới đây của Apple có thể lên tới 350 tỷ USD.
Kế hoạch đầu tư tại Mỹ dự kiến sẽ chiếm một phần lớn trong danh mục chi tiêu của Apple. Tính trên phạm vi toàn cầu, công ty đã chi 14,9 tỷ USD trong năm 2017 và con số này của năm 2018 ước tính là 16 tỷ USD. Nếu chi phí đầu tư của Apple tiếp tục tăng với tốc độ như vậy trong năm nay, thì số tiền 30 tỷ USD dự định đầu tư tại Mỹ có thể chiếm khoảng 1/3 tổng chi trong 5 năm tới.
![]() |
Apple là công ty Mỹ có lượng tiền mặt ở nước ngoài nhiều nhất
Chi tiêu ở Mỹ chiếm phần lớn
Trong kế hoạch đầu tư mới tại Mỹ của Apple, khoảng 1/3 là dành cho trung tâm dữ liệu, nơi đặt các máy chủ của iCloud, App Store và Apple Music. Apple hiện đã có trung tâm dữ liệu ở 7 tiểu bang, tự xây các trung tâm ở North Carolina, Oregon, Nevada, Arizona; ngoài ra sắp triển khai dự án ở Iowa và thuê thêm trung tâm dữ liệu ở các bang khác.
Apple cũng cho biết sẽ tăng ngân sách cho sản xuất tại Mỹ từ 1 tỷ lên 5 tỷ USD, và tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp linh kiện nội địa. Trước đó, Apple đã đầu tư vào Corning Inc. và Finisar Corp., hai công ty sản xuất linh kiện cho màn hình iPhone và tia laser cho Face ID và AirPods. Dự kiến, Apple sẽ chi 55 tỷ USD cho các nhà cung cấp nội địa Mỹ trong năm 2018, tăng 5 tỷ USD so với năm 2017.
Còn về dự án khu làm việc mới, Apple chưa tiết lộ bất cứ thông tin nào về địa điểm hay quy mô xây dựng. Dự kiến đó sẽ là nơi làm việc của bộ phận hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng. Hiện nay Apple đặt đại bản doanh Apple Park tại Cupertino (California), một khu làm việc ở Austin (Texas) dành cho dịch vụ khách hàng và một số hoạt động sản xuất, cùng một cơ sở ở Elk Grove (California) với vài nghìn nhân viên chăm sóc khách hàng và kỹ thuật viên.
Hải Châu