Dự kiến, các lò phản ứng sẽ được đặt tại quận Mithi Virdi thuộc bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ.
Thành quả chuyến công du 3 ngày
Bước đột phá kể trên là một trong những kết quả đáng chú ý nhất của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, với nhiều chủ đề quan trọng trong bối cảnh hai bên đều chủ động thắt chặt sợi dây hợp tác và tăng cường vai trò của Ấn Độ để tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Đây cũng là chuyến công du thứ tư của ông Modi đến Mỹ, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng, năm 2014.
Theo thỏa thuận mới đạt được, công ty Năng lượng hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) và Westinghouse Electric, một chi nhánh của Tập đoàn Toshiba tại Mỹ, sẽ bắt tay ngay vào công tác thiết kế kỹ thuật cho các lò phản ứng. Sau đó, hai công ty sẽ tiếp tục bàn thảo, để chốt nội dung hợp đồng trong tháng 6/2017.
Trong tuyên bố của mình, Nhà Trắng khẳng định: “Đây là đỉnh cao trong một thập kỷ hợp tác về hạt nhân dân sự và lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc sớm triển khai công tác chuẩn bị ở Ấn Độ để Westinghouse xây dựng 6 lò phản ứng AP 1.000; đồng thời ghi nhận ý định hợp tác của Ấn Độ với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, trong vai trò tài trợ cho dự án”.
Sau khi hoàn thành, dự án này không chỉ là một trong những kế hoạch hợp tác hạt nhân lớn nhất thế giới, mà còn giúp cụ thể hóa thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn 2008, thể hiện cam kết chung giữa hai quốc gia trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ, mà vẫn có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Cho dù chuyến đi của ông Modi đến Mỹ phần nào đó mang tính chất “chào từ biệt” người đứng đầu Nhà Trắng trước khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ, thỏa thuận này vẫn được giới phân tích đánh giá là sẽ tạo cú hích lớn đối với “mối quan hệ kinh tế và chiến lược” giữa hai quốc gia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ động thắt chặt sợi dây hợp tác
Bước tiến lớn từ quá khứ
Để Ấn Độ và Mỹ có thể đi đến thỏa thuận quan trọng lần này, có hai bước tiến lớn trên mặt trận ngoại giao, đóng vai trò chìa khóa mở đường. Đầu tiên là việc tìm thấy tiếng nói chung về quan điểm trách nhiệm hạt nhân giữa hai nước trong chuyến thăm của ông Obama hồi tháng 1/2015. Tiếp đó, là thỏa thuận hạt nhân Ấn Độ - Nhật Bản ký kết hồi tháng 12/2015, cho phép Toshiba - công ty mẹ của Westinghouse, tham gia thị trường điện hạt nhân thương mại ở Ấn Độ.
Việc Nhật Bản - một quốc gia có lập trường quyết liệt đối với vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể gật đầu với Ấn Độ chính là yếu tố mấu chốt để Westinghouse đưa ra quyết định bắt tay với NPCIL.
Câu chuyện doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ đã và đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Năm 2010, Ấn Độ còn thông qua một đạo luật yêu cầu các công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn tại những nhà máy điện mà họ xây dựng.
Tuy nhiên, thỏa thuận lần này sẽ là lời giải và thể hiện bước tiến lớn so với những lần hội đàm trước đó giữa ông Obama và ông Modi. Năm 2015, tại New Delhi, hai nhà lãnh đạo mới bắt đầu bàn về cách thức giải quyết những vấn đề đang ngăn cản nhà đầu tư Mỹ tham gia các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ.
“Chúng tôi tiếp tục thảo luận về một loạt lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác hiệu quả hơn nữa, nhằm tạo thêm việc làm, khuyến khích đầu tư, thương mại và tạo thêm nhiều cơ hội cho nhân dân hai nước, đặc biệt là những người trẻ tuổi”, ông Obama cho biết.
Cũng trong cuộc gặp lần này, ông Modi bày tỏ hy vọng Ấn Độ và Mỹ “mở rộng hợp tác” và đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trước khi ông và ông Obama gặp lại nhau vào tháng 9 tới, tại hội nghị thượng đỉnh các nước G20.
Về phía Westinghouse Electric, phát ngôn viên Courtney Boone khẳng định thiện chí của công ty: “Westinghouse mong muốn có thể cung cấp năng lượng sạch, đáng tin cậy cho chính phủ và người dân Ấn Độ”.
Hải Châu