Động thái này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Ấn Độ, trong việc từng bước tự do hóa nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Hướng tới nền kinh tế cởi mở
Thủ tướng Narendra Modi tin tưởng việc nới “room” trong những ngành như bán lẻ, quốc phòng, hàng không dân dụng sẽ “là động lực lớn để tạo việc làm và nâng cấp cơ sở hạ tầng”, biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới, đối với luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong lĩnh vực bán lẻ, những cửa hàng chỉ bán một thương hiệu sản phẩm duy nhất do nhà đầu tư nước ngoài mở tại Ấn Độ sẽ được hưởng thời gian ân hạn 3 năm, trước khi phải tuân thủ quy định về sử dụng hàng hóa trong nước, trong đó tối thiểu 30% nguyên liệu sản xuất phải do doanh nghiệp Ấn Độ cung cấp. Nhà đầu tư nước ngoài có thể hưởng ưu đãi thêm 5 năm nữa, nếu chứng minh được sản phẩm của mình áp dụng công nghệ tiên tiến hoặc vượt trội.
Đây là tin vui cho Apple hay IKEA, những công ty tầm cỡ quốc tế đang loay hoay trong việc phải đáp ứng được tiêu chí 30% để có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường đông dân thứ hai thế giới. Đối với trường hợp của Apple, điện thoại iPhone hiện vẫn phải đi qua mạng lưới các công ty phân phối và bán lẻ của Ấn Độ chứ chưa có cửa hàng nào chính hãng.
Một điểm đáng chú ý khác trong thay đổi chính sách của Ấn Độ, là việc “thả phanh” cho phép nhà đầu tư ngoại sở hữu 100% các hãng hàng không trong nước thay vì áp đặt mức trần 49% như trước. Tuy nhiên, quy định các hãng hàng không nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 49% cổ phần hãng hàng không trong nước thì vẫn được giữ nguyên.
Như vậy, nếu Singapore Airlines (Singapore), (Malaysia) hay Etihad Airways (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE) muốn thành lập một hãng hàng không hoàn toàn là vốn nước ngoài thì chỉ còn cách bắt tay với nhà đầu tư ngoại. Cách đây chưa đầy một tuần, chính phủ Ấn Độ còn nới lỏng một số điều kiện để tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước khai thác đường bay quốc tế nhằm tạo cú hích thu hút đầu tư.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ đã gỡ bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải mang theo công nghệ hiện đại nếu muốn sở hữu trên 49% cổ phần doanh nghiệp nội địa. Thời gian tới, chỉ cần được cơ quan chức năng Ấn Độ gật đầu là nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% công ty quốc phòng trong nước, bất kể công nghệ ở trình độ nào.
Ấn Độ đang rất cởi mở với giới đầu tư quốc tế
Điểm đến của dòng vốn quốc tế
Đối với các dự án sản xuất dược phẩm mà doanh nghiệp trong nước sử dụng cơ sở sẵn có làm tài sản đối ứng, doanh nghiệp ngoại được thoải mái mua bán cổ phần lên đến 74%. Tuy nhiên, từ ngưỡng đó cho tới 100% thì phải được chính phủ Ấn Độ cho phép.
Ngoài ra, có thể kể tới thay đổi đáng kể trong những lĩnh vực khác như: cho phép thành lập doanh nghiệp 100% FDI kinh doanh thực phẩm sản xuất hoặc chế biến tại Ấn Độ, bao gồm cả thương mại điện tử; dịch vụ phát thanh truyền hình, bao gồm truyền hình di động hay mạng truyền hình cáp, được nới room từ 74% lên 100%...
Thay đổi sâu rộng trong những ngành nghề then chốt cho thấy Ấn Độ đang rất cởi mở với giới đầu tư quốc tế. Quyết tâm thu hút đầu tư nước ngoài cũng chính là lý do mà Thủ tướng Narendra Modi dành rất nhiều thời gian trong hai năm đầu nhiệm kỳ để đi công du khắp các nước.
Kết quả là từ tháng 5/2014, Ấn Độ dưới thời ông Modi đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và nổi lên như một trong những điểm đến được ưa thích của dòng vốn đầu tư quốc tế. Theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này, vốn FDI đã nhảy vọt 29% từ 30,93 tỷ USD lên 40,46 tỷ USD tính tại thời điểm cuối tháng 3/2016.
Mở cửa mạnh mẽ là thế, song việc Ấn Độ hiện chỉ đứng thứ 130 trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh (EDB) của Ngân hàng Thế giới vẫn khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải e ngại về thủ tục hành chính phức tạp và nạn quan liêu “khó chiều” của cơ quan thuế sở tại.
Hải Châu