Siêu dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra 2.000 việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.
Do khó khăn trong quá trình thu hồi đất, cộng với tình trạng người dân và gia súc thường xuyên vi phạm hành lang an toàn đường sắt, nên phương án xây dựng tuyến giao thông trên cao trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ. Theo nguồn tin của Bloomberg, dự án này sẽ được khởi công vào năm 2018.
Thay đổi diện mạo
Ấn Độ hiện đang phối hợp với Nhật Bản xây dựng 508 km đường cao tốc, từ thủ đô tài chính Mumbai đến trung tâm kinh tế Ahmedabad ở bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi. Một đoàn tàu Shinkansen do Nhật Bản thiết kế sẽ kết nối hai thành phố nêu trên, trong một dự án có tổng kinh phí ước tính ban đầu là 980 tỷ rupee (tương đương 14,6 tỷ USD). Từ trước tới nay, Ấn Độ chưa có nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đến như vậy.
Chính phủ Ấn Độ cũng rất muốn “nhấc bổng” toàn bộ hệ thống đường sắt hiện tại lên trên cao (ước tính phát sinh thêm 1,2 tỷ USD) và đưa tàu cao tốc vào vận hành từ năm 2023, với 12 trạm dừng trên toàn tuyến. Siêu dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra 2.000 việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.
Sự xuất hiện của tàu cao tốc chắc chắn sẽ làm thay đổi rất nhiều diện mạo của giao thông Ấn Độ nói chung và đường sắt nói riêng. Với hệ thống đường sắt lớn thứ tư thế giới, mỗi ngày Ấn Độ có không biết bao nhiều chuyến tàu qua lại, vận chuyển số lượng hành khách tương đương toàn bộ dân số của Australia, nhưng hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng vì phải oằn mình từ thời thuộc địa Anh.
Ấn Độ đang thành lập một công ty quốc doanh để triển khai dự án và dự trù ít nhất một nửa giá trị công trình sẽ dành cho các nhà thầu trong nước, như Larsen & Toubro, Gammon India, hay GMR Infrastructure xây dựng đường ray và các trạm dừng.
![]() |
Tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản sẽ làm thay đổi diện mạo của giao thông Ấn Độ
Bài toán mức sống người dân
Dự toán tổng mức đầu tư 16 tỷ USD của dự án xấp xỉ 1% GDP của Ấn Độ - quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn - G20. Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ 81% kinh phí dự án ban đầu bằng gói tín dụng 50 năm, với lãi suất 0,1%.
Khoảng 220 triệu USD sẽ được Ấn Độ trả cho đối tác Nhật Bản để thiết kế tàu và hệ thống tín hiệu. Nói về tàu cao tốc, Nhật Bản chính là nước đi tiên phong với những “chuyến tàu mang hình viên đạn” xuất hiện lần đầu nhân dịp Thế vận hội Olympic Tokyo năm 1964. Kể từ đó đến nay, có tới 5,6 tỷ hành khách đã sử dụng Tokaido Shinkansen - tuyến tàu cao tốc kết nối ba khu vực đô thị lớn nhất của Nhật Bản, là Tokyo, Nagoya và Osaka.
Ấn Độ muốn tàu cao tốc được sản xuất trong nước, nhưng bản thân các công ty Ấn Độ lại không hào hứng xây dựng nhà máy với đối tác Nhật Bản, nếu chỉ để phục vụ một mình dự án này, mà không nhìn thấy tiềm năng nào cho các dự án tương tự trong tương lai.
Với dự án kể trên, Ấn Độ có chiến lược rõ ràng, quyết tâm chính trị cao. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, thì nước này có một “bảng thành tích” tương đối “phập phù”, trên phương diện đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt.
Từ năm 2005, chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch mở rộng thêm 3.360 km đường ray để phục vụ nhu cầu di chuyển của các chuyến tàu chở hàng. Tuy nhiên, sau 11 năm, mới chỉ thu hồi đất và giải phóng mặt bằng được có 14%. Ngược lại, dự án 213 km hệ thống tàu điện ngầm New Delhi metro được triển khai vừa nhanh vừa tiết kiệm và được xem như biểu tượng của một Delhi hiện đại, đi ngược hoàn toàn quan niệm cũ, rằng Ấn Độ cứ xây dựng cơ sở hạ tầng là thể nào cũng chắp vá và vượt dự toán.
Cho dù Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhấn mạnh dự án tàu cao tốc là một cột mốc lịch sử của ngành giao thông nước này, thì vẫn còn đâu đó nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của nó. Họ cho rằng giá vé tàu sẽ vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân, khi mà mức sống bình quân còn chưa nổi 3,10 USD/ngày. Hay, thay vì đổ tiền vào dự án này, chính phủ nên ưu tiên các nhu cầu cơ bản như nhà ở cho người nghèo, phúc lợi xã hội...
Hải Châu