Chính sách Hàng không dân dụng quốc gia (NCAP 2016) của Ấn Độ sẽ thay thế quy tắc “5/20” gây nhiều tranh cãi bằng công thức mới thông thoáng hơn – “0/20”.
Theo quy định hiện hành, các hãng hàng không Ấn Độ phải có tối thiểu 5 năm bay nội địa và sở hữu ít nhất 20 máy bay mới đủ điều kiện đăng ký bay quốc tế.
Cách khống chế kỳ lạ như vậy không nước nào trên thế giới áp dụng nhưng lại từng được Ấn Độ xem như sáng kiến để khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không non trẻ trong nước.
Cứ đủ máy bay là bay
Trong NCAP 2016, chính phủ Ấn Độ đã quyết định gỡ bỏ yêu cầu về thời gian, giữ nguyên yêu cầu các hãng hàng không đảm bảo tiêu chí số lượng máy bay hoặc phải khai thác tối thiểu 20% số lượng máy bay của mình trên các đường bay nội địa nếu muốn nghĩ đến chuyện bay đi các nước khác.
Việc nới lỏng quy tắc “5/20” đánh dấu một bước tiến chính sách quan trọng của Ấn Độ hướng tới tự do hóa thị trường hàng không trong nước – một thị trường được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những hãng hàng không non trẻ như Vistara hay AirAsia India – hai liên doanh của tập đoàn Tata Group với Singapore Airlines và AirAsia Bhd (Malaysia) giờ đây có thể bay luôn những chặng quốc tế mà không phải tích lũy “năm kinh nghiệm nội địa” nữa, miễn là có đủ số lượng máy bay. Hiện tại, AirAsia India mới chỉ có 6 chiếc trong khi Vistara có 11.
Các chuyên gia nhận định rằng sau thay đổi chính sách này, Ấn Độ sẽ xuất hiện thêm một số hãng hàng không mới gia nhập thị trường, khuyến khích đầu tư và mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, một số hãng hàng không đã có đường bay quốc tế như Jet Airways, Air India, Indigo Airlines hay SpiceJet cảm nhận được sức nóng cạnh tranh sẽ nhiều hơn nên đã ra sức vận động để bảo lưu quy định cũ, song bất thành.
Theo thống kê trong năm tài chính 2015, ngành hàng không Ấn Độ đã vận chuyển tới 80 triệu hành khách trên các đường bay nội địa, tăng 22% so với năm trước đó. Con số này dự kiến sẽ nhảy gần 4 lần lên 300 triệu hành khách sau 5 năm nữa. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng dự báo Ấn Độ có thể trở thành thị trường hàng không lớn thứ ba thế giới vào năm 2026.
![]() |
Việc nới lỏng quy tắc “5/20” đánh dấu một bước tiến chính sách quan trọng của Ấn Độ hướng tới tự do hóa thị trường hàng không trong nước.
Khuyến khích sử dụng máy bay
Tốc độ tăng trưởng du lịch đường không quốc tế thì chậm hơn, chỉ 9% mỗi năm, nhưng các hãng hàng không rất háo hức khai thác bởi lợi nhuận thu được hấp dẫn hơn so với các tuyến nội địa phải cạnh tranh khá vất vả.
Sau một thập kỷ bùng nổ nhờ mở cửa mạnh mẽ của ngành hàng không, giá vé các chuyến bay nội địa của Ấn Độ đã giảm đáng kể và ngày càng nhiều người có điều kiện kinh tế để di chuyển bằng phương tiện này. Tuy nhiên, xét bình quân thì mỗi người Ấn Độ chỉ bay 0,04 chuyến mỗi năm, kém rất xa tỷ lệ 0,3 chuyến của người Trung Quốc.
Theo NCAP 2016, Ấn Độ cũng muốn khống chế giá vé của các tuyến đường bay nội địa kết nối tới những sân bay địa phương ở mức 2,500 rupees (37 USD) mỗi giờ bay để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện di chuyển này.
Những hãng hàng không tham gia thực hiện các chuyến bay như vậy sẽ được hưởng ưu đãi thuế, chi phí nhiên liệu và phí sân bay để đảm bảo khả năng sinh lời.
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ dự tính nâng cấp một vài trong số 350 đường băng và sân bay không sử dụng để tăng cường năng lực kết nối giữa các khu vực. Các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay cũng nhận được ưu đãi để mở rộng hoạt động và hạn chế tình trạng các hãng hàng không Ấn Độ phải đem máy bay ra nước ngoài để bảo dưỡng.
Hải Châu