Theo Ngân hàng trung ương Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới là một điển hình về nền kinh tế tiền mặt và tới 86,4% giá trị tổng số tiền giấy rupee trong lưu thông là loại 500 và 1.000 rupee.
“Sét đánh ngang tai”
Kể từ ngày 9/11 trở đi, tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee hiện tại sẽ không còn là tiền pháp định của Ấn Độ nữa, mà chỉ có thể đem đến ngân hàng và bưu điện để đổi tiền mới trước ngày 30/12. Thay thế cho hai loại tiền trên là các tờ 500 rupee (xấp xỉ 7,50 USD) và 2.000 rupee (xấp xỉ 30 USD) với thiết kế hoàn toàn mới sẽ sớm được lưu hành.
Để hỗ trợ người dân, một số địa điểm vẫn chấp nhận các loại tiền cũ, như quầy bán vé tàu hỏa và xe buýt, bệnh viện công, nhà tang lễ và cửa hàng sữa. Với những người không kịp đổi tiền trước thời hạn cuối năm, họ vẫn còn cơ hội cuối cùng nếu nộp một tờ khai giải trình trước ngày 31/3/2017.
Khi Thủ tướng Modi lên truyền hình phát biểu, nhiều người đã lầm tưởng sẽ là vấn đề gì đó liên quan tới thương mại với nước Anh, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May. Kết quả là họ nhận được tin “sét đánh ngang tai” và ngay lập tức, đêm 8/11 chứng kiến nhiều khu vực có dòng người lũ lượt xếp hàng tại các cây ATM với hy vọng rút được càng nhiều tờ 100 rupee càng tốt, vì đây là loại mệnh giá lớn gần nhất sau tờ 500 rupee.
![]() |
Sau ngày 8/11, tờ 500 và 1.000 rupee không còn giá trị trao đổi
Do các tờ rupee mới có diện mạo khác biệt, nên Bộ Tài chính Ấn Độ tin tưởng đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với hoạt động khủng bố, buôn lậu ma túy và gián điệp, vốn được tiền giả hậu thuẫn về mặt tài chính.
Theo tổng kết của Ngân hàng trung ương Ấn Độ, 405.000 tờ 500 và 1.000 rupee giả, tương đương 4 triệu USD, đã được tìm thấy trong hệ thống ngân hàng vào năm tài chính kết thúc 31/3/2016. Trong khi đó, chuyên gia tại Viện Thống kê Ân Độ cho rằng tổng giá trị tiền giả trong lưu thông, bao gồm cả những khoản nằm ngoài hệ thống ngân hàng, có thể lên tới 60 triệu USD.
Câu hỏi chưa kịp giải đáp
Tiền mặt được sử dụng quá phổ biến còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng hối lộ quan chức chính phủ, hay các đảng phái chính trị mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử.
Một tác dụng khác của việc đổi tiền mà Ấn Độ nhắm đến là buộc nhiều “nhà giàu” phải lộ ra các khoản thu nhập đã được cất giấu trước đây nhằm trốn thuế. Tính trong năm 2013, chỉ có khoảng 20 triệu cá nhân và hộ gia đình, tức là chưa đầy 1,7% dân số Ấn Độ, tự giác nộp thuế thu nhập.
Khi doanh nghiệp và người dân mang tiền đi đổi, vài nghìn rupee thì không vấn đề gì, nhưng với những trường hợp lên đến cả trăm nghìn hoặc hàng triệu rupee thì ngân hàng chắc chắn sẽ lưu tâm và dò hỏi kỹ hơn.
Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ tiến hành đổi tiền. Nước này từng phát hành đồng 1.000, 5.000 và 10.000 rupee vào năm 1954, nhưng chỉ được 24 năm thì dừng. Vài thập kỷ sau đó, đồng 1.000 rupee một lần nữa lại được đưa vào lưu thông. Mỗi lần như vậy, người dân đều phải đổ xô đi đổi tiền, hoặc thậm chí bán rẻ cho người khác nếu không chen chân được và không có mối quen biết nào.
Dù nhận được không ít phản hồi tích cực, nhưng quyết định đổi tiền năm 2016 của chính phủ Ấn Độ cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, đặc biệt là lộ trình đổi tiền quá đột ngột, trong khi còn nhiều điểm chưa được làm rõ.
Ví dụ, đổi tiền sẽ ảnh hưởng thế nào đến cung tiền và có khiến một lượng lớn tiền mặt biến mất khỏi lưu thông hay không; tiền mới có thực sự khó làm giả hơn tiền hiện tại không; tiền bị thay thế có được thu hồi hoàn toàn không hay sẽ “lạc” về các khu vực nông thôn và hình thành nên “thị trường ngầm” ở đó?
Việc giữ kín thông tin đến tận phút chót, thậm chí không cơ quan báo chí nào có manh mối sớm, cũng có thể đẩy các ngân hàng vào thế bị động và không kịp lên kế hoạch ứng phó trước khối lượng công việc khổng lồ sẽ phải xử lý trong những ngày tới.
Hải Châu