Ấn Độ cấm các tổ chức tài chính giao dịch tiền ảo |
“Để tránh các rủi ro liên quan, RBI quyết định với hiệu lực ngay lập tức rằng các đơn vị tài chính được RBI quy định sẽ không được phép giải quyết, hoặc cung cấp dịch vụ cho bất kỳ cá nhân, hoặc doanh nghiệp nào kinh doanh tiền mã hóa”, RBI cho biết trong một tuyên bố.
Những tổ chức tài chính đã cung cấp dịch vụ trao đổi tiền mã hóa cần phải kết thúc việc này trong một thời gian nhất định sẽ được RBI công bố riêng. Tiền mã hóa đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý Ấn Độ sau khi giá của bitcoin tăng hơn 1.300%, chạm ngưỡng gần 20.000 USD hồi tháng 12/2017.
Hầu hết các loại tiền mã hóa, chẳng hạn như bitcoin, đều không được đa số chính quyền trung ương các nước ủng hộ.
Ở Ấn Độ, tiền mã hóa không phải là phương tiện giao dịch hợp pháp. Trước khi đưa ra tuyên bố hôm 5/4, chính phủ quốc gia Nam Á này từng cảnh báo về các rủi ro liên quan đến việc giao dịch.
Loại tiền này cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc thông tin người dùng bị khai thác, thị trường tài chính truyền thống bị xáo trộn và sự gia tăng của các hoạt động rửa tiền.
Theo tờ The Hindu, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ đã nói với các nhà lập pháp tại New Delhi hồi tháng 2/2018, rằng chính phủ đã có kế hoạch “thực hiện tất cả các biện pháp để loại bỏ việc sử dụng tiền mã hóa để tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp, hoặc như một phần của hệ thống thanh toán”.
Lê Minh