Giống với cách mà Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải và thương mại thông qua “con đường tơ lụa” trên biển, Ấn Độ cũng rất chú trọng tính kết nối khu vực để tạo đà kích thích nền kinh tế.
Đi vòng để khỏi cậy nhờ Pakistan
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố việc xây dựng tuyến đường hành lang mới là mục tiêu chung của cả ba nước vì sự phát triển hòa bình và thịnh vượng, có thể “thay đổi cả lịch sử” giúp Ấn Độ, Afghanistan và Iran thắt chặt tình “hàng xóm” hữu hảo.
Phần đường bộ của tuyến đường xuất phát từ cảng Chabahar và chạy đến Zaranj, một thị trấn biên giới Afghanistan. Từ đây, con đường cao tốc dài 135 dặm do Ấn Độ xây dựng sẽ dẫn theo hướng Đông Bắc đến thành phố Delaram. Chabahar sẽ trở thành trái tim của hành lang giao thông này và được Ấn Độ cam kết đầu tư 500 triệu USD sau khi dự án phát triển cảng biển này từng bị “đắp chiếu” suốt hơn 10 năm qua.
Có địa thế rất thuận lợi khi nằm trên bờ biển phía Nam của Iran, bên vịnh Oman nhưng Chabahar lại chưa được tận dụng tốt như cảng Gwadar ngay đối diện qua biên giới Pakistan cách đó có 72km. Với dự án chiến lược này, vai trò của Chabahar sẽ được nâng lên tầm cao mới như là trung tâm giao thông kết nối Iran thông qua Ấn Độ và Afghanistan tới Trung Á.
Ấn Độ, Afghanistan và Iran bắt tay hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang xây dựng một hành lang kinh tế trị giá 46 tỷ USD lấy cảng Gwadar gần đó làm tiêu điểm với tham vọng vẽ lại bản đồ địa chính trị của khu vực. Ấn Độ đã lên tiếng phản đối một phần dự án này bởi nó liên quan tới khu vực Kashmir đang là điểm nóng tranh chấp với Pakistan.
Trong khi Trung Quốc đóng cả vai trò xây dựng lẫn khai thác cảng Gwadar thì sự tham gia của Ấn Độ tại cảng Chabahar tỏ ra khiêm tốn hơn nhiều. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng hai trạm bốc dỡ và 5 cầu tàu tại Chabahar.
300 triệu USD bổ sung sẽ được dùng trong trường hợp đội vốn và để phát triển cơ sở hạ tầng liên quan. Đây là cảng biển nước ngoài đầu tiên mà Ấn Độ đầu tư nhiều như vậy. Iran cũng chào mời các quốc gia khác cùng đầu tư để hoàn thiện đồng bộ cảng Chabahar.
Dự án hành lang giao thông được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan nhưng có ý kiến cho rằng Pakistan sẽ cảm thấy bận tâm vì lo ngại bị các nước “quây kín”.
![]() |
Tuyến đường trong toan tính “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc
Chiến lược của New Dehli
Là nước nằm giữa Afganistan và Ấn Độ, Pakistan có mối quan hệ khá nhiều sóng gió với cả hai láng giềng khi không cho phép Ấn Độ mượn đường qua lãnh thổ của mình để xuất hàng sang Afghanistan và đến gần đây mới chỉ cho phép một phần nhỏ hàng hóa từ Afghanistan đi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, khi được hỏi, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif vẫn khẳng định cảng Chabahar và Gwadar sẽ bổ sung cho nhau như “hai chị em” chứ không có sự cạnh tranh, giành giật nào cả.
Một khi hoàn thiện cảng Chabahar và xây dựng xong hành lang giao thông mới, Ấn Độ có thể thoải mái vận chuyển hàng hóa tới Afghanistan và Trung Á mà không phải “nhờ cậy” Pakistan nữa.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan đang phát triển tốt đẹp với thiện chí viện trợ hàng triệu USD của New Dehli. Tháng 12/2015, Thủ tướng Ấn Độ còn dự lễ khánh thành tòa nhà Quốc hội Afghanistan tại Kabul do Ấn Độ xây dựng với chi phí 90 triệu USD. Việc đầu tư vào Chabahar để kéo hai quốc gia xích lại gần nhau hơn đã bị trì hoãn nhiều năm, một phần do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Giống với cách mà Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải và thương mại thông qua “con đường tơ lụa” mới, Ấn Độ cũng rất chú trọng tính kết nối khu vực để tạo đà kích thích nền kinh tế. Nước này đang xúc tiến ký kết thỏa thuận với Bangladesh, Bhutan và Nepal về việc tạo điều kiện cho quá trình dịch chuyển hàng hóa, phương tiện và thể nhân xuyên biên giới.
Ấn Độ cũng là một thành viên của Hành lang Vận tải quốc tế Bắc - Nam, một tuyến đường kết nối Ấn Độ, Iran, Trung Á và Nga. Sau hai năm thử nghiệm, dự án này đã gần hoàn thiện để có thể đưa vào khai thác.
Hải Châu