Hệ quả nhãn tiền là Airbus sẽ bị cắt nguồn hỗ trợ tín dụng xuất khẩu của chính phủ Anh, ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Rắc rối từ bên thứ ba
Sự việc bắt nguồn cách đây 4 tháng, sau khi kết thúc quá trình điều tra nội bộ, Airbus đã gửi thông báo cho Cơ quan quản lý tín dụng xuất khẩu Anh (UKEF) và Cơ quan tín dụng xuất khẩu châu Âu (EECA) về những sai sót liên quan đến một số đơn vị tư vấn của Airbus trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đề xuất vay hỗ trợ xuất khẩu cho tập đoàn. Sau thời gian nghiên cứu bước đầu, UKEF quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Văn phòng Chống lừa đảo (SFO) để xử lý.
Cũng trong thời gian này, SFO còn đang điều tra một đơn vị trực thuộc của Airbus, là Ban quản lý các dự án đặc biệt GPT, trước cáo buộc hối lộ liên quan đến một hợp đồng trị giá 3,3 tỷ USD cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc và mạng nội bộ cho lực lượng vệ binh quốc gia Ả-rập Xê-ut (SNG).
Trước những lùm xùm nêu trên, chính phủ Anh quyết định sẽ ngừng tiếp nhận bất kỳ hồ sơ xin cấp tín dụng xuất khẩu nào có liên quan tới máy bay Airbus. Cho đến khi nguồn tài chính này được khôi phục, Airbus sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khi không còn nhiều sự “chống lưng” của chính phủ Anh nữa, trong bối cảnh thị trường vẫn ẩn chứa không ít bất ổn.
![]() |
Airbus bị giới chức Anh điều tra
Airbus cũng giống như đối thủ cạnh tranh trực tiếp Boeing, đều phải nhờ vào nguồn tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh của chính phủ để thúc đẩy hoạt động bán hàng, đặc biệt là nhắm tới các thị trường mới nổi. Bảo lãnh chính phủ còn có tác dụng giúp các hãng này dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khoản vay thương mại.
Chính sách hỗ trợ nêu trên được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi góp phần san sẻ gần 40% tổng giá trị đơn hàng của Airbus, trước khi tụt xuống còn 6% trong năm 2015, trong khi các công ty cho thuê máy bay góp 45% vào quá trình sản xuất, còn bản thân các hãng hàng không góp 45%.
Theo dự báo, năm 2016 sẽ chứng kiến 650 đơn hàng máy bay thương mại được xuất xưởng và bàn giao cho các hãng hàng không. Nếu nguồn hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ Anh bị đình lại, nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của 39 máy bay.
Cánh tay hối lộ của doanh nghiệp
Đối với Airbus, ngoài khoản hỗ trợ xuất khẩu từ chính phủ Anh, chính phủ Pháp và Đức cũng có phần đóng góp. Đây là 3 nước mà Airbus đặt phần lớn các nhà máy của mình. Tỷ lệ hỗ trợ của chính phủ từng nước là khác nhau, tùy theo từng hợp đồng Airbus, phụ thuộc vào việc có sử dụng động cơ Rolls-Royce hay không, thông thường Anh góp khoảng 18 - 38%, căn cứ theo báo cáo thường niên của UKEF.
Thời gian qua, UKEF đã có một số thay đổi nhằm đơn giản hóa nội dung khai báo về chống tham nhũng trong mẫu hồ sơ vay hỗ trợ xuất khẩu, mà trước đó Hiệp hội các nhà xuất khẩu Anh (BEA) cho là quá dài dòng và phức tạp. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ lập tức lên tiếng cảnh báo việc nới lỏng như vậy có thể lại tạo ra lỗ hổng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Quay trở lại câu chuyện lùm xùm của Airbus, hãng này cũng như UKEF không tiết lộ có bao nhiêu hãng hàng không bị liên đới, hay cơ quan chức năng đang tập trung điều tra khoảng thời gian nào. Tính tới thời điểm 31/3/2015, UKEF đã tham gia hỗ trợ tài chính cho tổng cộng 1.070 máy bay Airbus mà 78 hãng hàng không trên thế giới đã mua hoặc thuê.
Cuộc điều tra nhằm vào Airbus cũng khiến dư luận phải chú ý nhiều hơn tới vai trò của các tổ chức trung gian xuyên biên giới.
Đầu năm 2016, Unaoil SAM - một công ty có trụ sở ở Monaco - đã bị nhà chức trách điều tra, với cáo buộc làm “cánh tay hối lộ” cho doanh nghiệp để đút lót quan chức ở một số nước Trung Đông, châu Phi và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Hải Châu