Trong năm đầu tiên của quá trình hợp tác, AIIB sẽ dành một phần không nhỏ trong 1,2 tỷ USD kế hoạch, giải ngân cho các dự án sát cánh với WB.
Bước chạy đà quan trọng
Háo hức chờ đợi những dự án đầu tiên sẽ được phê duyệt trong tháng 6 tới, Chủ tịch của AIIB - ông Kim Lập Quần, khẳng định bên cạnh những kế hoạch đầu tư mạo hiểm của riêng AIIB, việc hợp tác với WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là chuyện đương nhiên, một khi “đụng” tới các dự án cơ sở hạ tầng vừa phức tạp vừa lắm rủi ro.
“Các dự án cơ sở hạ tầng thường có quy mô rất lớn và một ngân hàng mà rót tới hai hay ba tỷ USD cho một dự án duy nhất thì không hay chút nào”, ông Kim Lập Quần cho biết. Chính vì thế, sự hợp tác giữa AIIB với WB hay ADB là vô cùng cần thiết.
Trước đó, vị chủ tịch AIIB đã gặp người đồng cấp bên phía WB - ông Jim Yong Kim, để ký thỏa thuận khung đồng tài trợ. AIIB dự kiến sẽ phê duyệt giải ngân khoảng 1,2 tỷ USD trong năm nay và một phần không nhỏ trong số đó được dành cho các dự án sát cánh với WB.
Hai bên vẫn đang thảo luận về khoảng 12 dự án đồng tài trợ trong các lĩnh vực giao thông, nước sạch và năng lượng ở châu Á, trong đó, WB đóng vai trò chuẩn bị và giám sát. Ông Jim Yong Kim ghi nhận đây là một “bước khởi đầu quan trọng của quá trình phối hợp với một đối tác mới, để giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng rất lớn của thế giới”.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Kim Lập Quần, mục tiêu của AIIB có thể sẽ vươn xa hơn vấn đề về cơ sở hạ tầng để tham gia vào một số lĩnh vực khác, như sức khỏe hay giáo dục. Ước tính chỉ riêng nhu cầu cơ sở hạ tầng sẽ vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Vì thế, AIIB không muốn và cũng không thể “tham lam” chạy đua với các định chế khác, mà thay vào đó, cần có sự hợp tác để cùng phát triển.
AIIB được Trung Quốc khởi xướng thành lập năm 2015, với 57 quốc gia thành viên sáng lập và một trong các mục tiêu là mở rộng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài. Động thái trên khiến Mỹ không khỏi nghi ngại những định chế mà nước này đứng đằng sau, như WB, IMF sẽ bị cạnh tranh, chưa kể các chuẩn mực xã hội và môi trường mới do AIIB đặt ra. Mỹ cũng từ chối góp vốn vào AIIB, cho dù một số đồng minh thân cận, như Anh, nhanh chóng “lên thuyền nhập hội” cùng với Trung Quốc.
![]() |
AIIB, WB, ADB là đối thủ hay “đồng minh đầy tiềm năng”
Biết mình biết ta để cùng tiến xa
Khi được hỏi, ông Kim Lập Quần đã khéo léo nói rằng không nên quy chụp “không tham gia AIIB là một sai lầm”, bởi dù không cùng là thành viên AIIB thì các bên vẫn còn rất nhiều cơ hội hợp tác. Bản thân AIIB đã và đang tận dụng được chất xám của chuyên gia Mỹ, trong khi doanh nghiệp Mỹ vẫn có cơ hội bình đẳng khi tham gia đấu thầu nhiều dự án của AIIB.
Còn nhớ cách đây một năm, khi AIIB vẫn đang tất bật chuẩn bị cho ngày ra mắt, dư luận đã xôn xao suy đoán về màn đối đầu tương lai của “kẻ sinh sau đẻ muộn” với các “cây đa cây đề” như WB, ADB, IMF... Tuy nhiên, Chủ tịch WB đã ngay lập tức gạt đi và thay vì xem là đối thủ, ông coi AIIB như một “đồng minh đầy tiềm năng” trên lộ trình đẩy lùi đói nghèo toàn cầu, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng “dang tay chào đón” AIIB.
Về phía ADB, ngay trong tuần đầu tiên của năm 2016, Chủ tịch Takehiko Nakao cũng tuyên bố ADB sẽ hợp tác với AIIB lên kế hoạch đồng tài trợ cho một loạt dự án. Ông Nakao phủ nhận quan điểm cho rằng AIIB có thể tác động ngược chiều đến hoạt động của ADB.
Thậm chí, sau hai cuộc hội đàm với Chủ tịch AIIB, để thiết lập khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa hai định chế tài chính, ông Nakao nhận ra rằng ý tưởng hoạt động của hai bên có những khác biệt nhất định, nhưng là sự khác biệt mang tính bổ sung lẫn nhau.
Hai vị chủ tịch ngân hàng cũng nhất trí chủ trương cùng tiến hành một số dự án trong khu vực, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông và năng lượng tái tạo, còn chính xác là ADB sẽ dành bao nhiêu tiền cho các dự án đồng tài trợ với AIIB thì chưa có thông tin cụ thể.
Hải Châu