Động thái trên được đưa ra khi các nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường dầu thô có thể bị dư cung trầm trọng trong nửa đầu năm tới.
Trấn an hay tăng giá?
Tại các cuộc họp vào thứ Năm và thứ Sáu tại thủ đô của Áo, các thành viên của OPEC dự kiến sẽ thảo luận về việc tăng mức cắt giảm sản lượng thêm ít nhất 400.000 thùng mỗi ngày, đồng thời gia hạn thỏa thuận vào năm 2020.
Viễn cảnh tăng cường cắt giảm sản lượng đã giúp giá dầu nhích lên trong ngày thứ Tư. Giá dầu thô Brent tăng 4% lên 63 USD/thùng.
Thỏa thuận hiện tại, quy định cắt giảm 1,2 triệu thùng mỗi ngày, sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 năm sau. Nếu các bên nhất trí, con số này sẽ được nâng lên thành 1,6 triệu.
Động thái trên được đưa ra khi các nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường dầu thô có thể bị dư cung trầm trọng trong nửa đầu năm tới và sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Đây cũng là thời điểm Hoàng tử Abdulaziz bin Salman của Ả-rập Xê-út và cũng là tân Bộ trưởng Năng lượng kể từ tháng 9 vừa qua, muốn tạo dấu ấn và tầm ảnh hưởng của mình trong các hoạt động của OPEC và thúc đẩy sự tuân thủ nghiêm túc hơn của các nước thành viên. Ả-rập Xê-út từng dọa sẽ tăng sản lượng nếu những nước còn lại không thực hiện đầy đủ chỉ tiêu cắt giảm của mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng chiến lược của Ả-rập Xê-út dường như không phải nhằm đẩy giá lên cao hơn đáng kể, bởi mối quan tâm lớn nhất của nước này có lẽ là trấn an thị trường thay vì tham vọng giá leo lên 70 hoặc 80 USD/thùng.
“Các nước OPEC ngày càng nhận thức được họ cần phải hành động để hỗ trợ thị trường trong nửa đầu năm tới. Tuy nhiên, đây có vẻ như chỉ là hành động mang tính phòng thủ để kéo giá lên trên 60 USD/ thùng”, theo chuyên gia Jamie Webster tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia.
Dầu thô Brent đã giao dịch ở mức gần 60 USD/ thùng trong phần lớn thời gian của năm 2019, thấp hơn mức trung bình năm ngoái nhưng chưa đến mức chạm lại các đáy năm 2015 và 2016, thời điểm giá dầu thô rơi tự do xuống dưới 40 USD khiến các nước xuất khẩu dầu có một phen lao đao.
Giá dầu đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung |
Chấn chỉnh thái độ thực thi cam kết
Chuyên gia Amrita Sen tại Energy Aspects cho rằng OPEC và các đồng minh - đặc biệt là có sự tham gia của Nga từ năm 2016 - nên lưu ý đà cắt giảm sản lượng của mình, kẻo vô hình trung lại làm lợi cho ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ, hiện đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại sau nhiều năm tăng trưởng. Liên minh OPEC+ đặt mục tiêu giảm sản lượng khoảng 1,2% nguồn cung toàn cầu.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng việc cắt giảm sâu hơn không đơn giản chỉ là phép tính cộng trừ trên giấy. Thực tế là Ả-rập Xê-út đang khai thác ít hơn nhiều so với mục tiêu sản xuất của mình, trước cuộc tấn công vào một số cơ sở dầu quan trọng của nước này vào tháng 9.
Bà Amrita Sen cho rằng thị trường có thể phấn khởi với mức cắt giảm 400.000 thùng/ ngày vì tin rằng giá sẽ lên, nhưng đó là vì thời gian qua giá cả chưa phản ánh hết mức độ siết chặt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.
Các chuyên gia cũng nhận định liên minh OPEC+ có thể vẫn gia hạn thỏa thuận hiện tại thêm một thời gian nữa.
Tại cuộc họp OPEC, Ả-rập Xê-út cũng dự kiến sẽ tập trung vào việc khuyến khích các thành viên tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hiện có. Một số quốc gia, bao gồm cả Nga và Iraq, thường xuyên khai thác nhiều hơn chỉ tiêu được giao.
“Những cuộc họp này sẽ bàn về việc cắt giảm sản lượng thông qua việc tuân thủ những gì đã cam kết hoặc điều chỉnh mức cắt giảm. Phương án cắt giảm sâu có vẻ được ưu tiên hơn”, theo ông Anas Alhajji - cố vấn cho các công ty dầu mỏ và các quốc gia xuất khẩu dầu.
Hải Châu