Với ngành dệt may, trước đây chủ yếu là xuất khẩu, nhưng kể từ khi dịch Covid-19, bùng phát, ngành này đã “bẻ lái” một phần sản xuất để phục vụ cho thị trường nội địa.
![]() |
Với những chiến lược rõ ràng, dệt may là một trong những ngành đang khẳng định vị thế ở thị trường nội địa. Ảnh Int. |
Năm nay, dệt may tiếp tục có định hướng rõ ràng cho thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc tập đoàn dệt may (Vinatex) cho biết, thời gian sắp tới, tập đoàn này có định hướng mở rộng trung tâm bán lẻ thời trang Vinatex sang các tỉnh, thành phố khác, dần khẳng định là một trong những địa chỉ tin cậy hàng đầu để người tiêu dùng Việt tìm đến với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Rõ ràng những con số mà các doanh nghiệp ngành này đạt được trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của thị trường “nhà”. Chẳng hạn, năm ngoái Tổng công ty May 10 - CTCP, Công ty cổ phần May Việt Tiến, Công ty cổ phần May Đức Giang… đã đạt doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đồng/năm. Riêng, trung tâm bán lẻ thời trang của Vinatex, dù mới chỉ đi vào hoạt động cũng có doanh thu hơn 100 tỷ đồng năm 2020.
“ Chúng tôi có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn tập trung phát triển thị trường nội địa. Cùng với đó là đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay, đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử”, ông Hiếu nói.
Đưa ra một chiến lược rất cụ thể, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may nói rằng, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua tại thị trường nội địa được dự báo sẽ “dậm chân tại chỗ” và rất khó tăng trưởng. Do đó, các doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục tập trung vào những dòng sản phẩm trung bình thấp.
Với những con số và chiến lược cụ thể như trên, sẽ là không ngoa nếu nói việc ngành dệt may tập trung phát triển thị trường nội địa là một chiến lược “khôn ngoan”. Bởi điều này đã được các tổ chức tài chính uy tín điều tra và tư vấn. Chẳng hạn, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài.
Theo WB hiện nay có tới gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu, theo tính toán của WB, tầng lớp này có chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày.
Như vậy, với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.
Ở một góc nhìn khác, con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước. Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% trong hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ và trên 70% trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài ở Việt Nam do Bộ Công Thương công bố đã nói lên sức mạnh "ghê gớm" của thị trường nội địa.
Rõ ràng, việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định FTA đang “mở lối” cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, ở một góc độ khác dù thế nào thì các doanh nghiệp Việt muốn khẳng định được giá trị hàng hoá của mình, trước hết cũng cần phải khẳng định vị thế và “làm chủ” ngay ở thị trường “nhà”.
Bởi, với sự hiểu biết sâu sắc cả về văn hoá tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ của từng địa phương, chắc chắn các doanh nghiệp Việt nói chung, các doanh nghiệp dệt may nói riêng sẽ “thắng” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngoại ngay tại thị trường nội địa.
Quốc Anh