Trước hết, xin chúc mừng ông trong nhiệm vụ mới tại Việt Nam. Việc bổ nhiệm này chắc hẳn có ý nghĩa đối với sự phát triển các hoạt động của Reed Tradex tại đây?
Tôi cám ơn các bạn. Với nhiệm vụ là Phó Giám đốc điều hành chung nay kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Reed Tradex Việt Nam, đúng là chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa các hoạt động của mình tại đất nước các bạn, sau hơn 8 năm liên tục đồng hành với các bạn trong mục tiêu góp phần phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong tương lai, Reed Tradex ngoài việc tập trung chuyên sâu về công nghiệp, sẽ mở rộng thêm nữa các chủ đề triển lãm như các kênh bán lẻ, kỹ thuật điện, hàng tiêu dùng... Tất nhiên cốt lõi vẫn là giới thiệu, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm chất lượng cao, được sản xuất từ các hãng, nhà sản xuất danh tiếng.
Ngay trong năm 2015, chúng tôi sẽ có 3 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam; năm 2016 sẽ có 3 và năm 2017 sẽ tăng lên 5 sự kiện... Tôi tin là sẽ mang lại nhiều bất ngờ lý thú cho các bạn và cho thị trường Việt Nam.
Reed Tradex Vietnam đã bắt đầu triển khai các hoạt động gì, thưa ông?
Trước mắt chúng tôi đã thành lập Văn phòng đại diện. Về nguồn lực, chúng tôi hiện đã có nhiều nhân viên người Việt đang làm việc tại “tổng hành dinh” Reed Tradex tại Bangkok (Thailand). Họ đang được nâng cao phát triển nghiệp vụ tổ chức các sự kiện quy mô lớn, mang tính toàn cầu, sau này sẽ là nòng cốt cho các hoạt động của Reed Tradex tại Việt Nam. Chúng tôi đang cùng nhau tiến hành cho sự kiện triển lãm METALEX Vietnam 2015 sẽ diễn ra từ ngày 8 -10/10/2015, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC)…
Tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt CNHT vẫn là mục tiêu và sứ mệnh của Reed Tradex tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi vẫn luôn nhận được sự tham gia tích cực mỗi ngày một thêm đông đảo của các đối tác, các nhà sản xuất và phân phối công nghiệp hàng đầu với sự kiện này.
![]() |
Ông Duangdej Yuaikwarmdee
Cụ thể, METALEX Vietnam 2014 đã thu hút được 400 doanh nghiệp (DN) và 400 nhà trưng bày, chiếm diện tích 2.700m2, có 14.872 lượt khách tham quan. METALEX Vietnam 2015, đến giờ đã có 450 nhà trưng bày đăng ký tham gia, lấp kín 3.000m2 diện tích trưng bày.
Chúng tôi vẫn tiếp tục kết nối, phối hợp với các tổ chức JETRO (Nhật Bản), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (IPTC - Tp.HCM) để tiến hành các triển lãm song hành, đồng địa điểm nhằm hỗ trợ thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam, cùng “mang người mua hàng và nhà sản xuất đến gặp nhau” thương thảo thương mại và công nghệ.
Ông có thể cho biết sơ qua về thành phần các nhà trưng bày tại triển lãm METALEX Vietnam 2015?
Trong số 450 nhà trưng bày tại METALEX 2015 sắp tới, đông đảo nhất là các DN Nhật Bản, vượt xa Singapore. Tiếp đến là các DN đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Các DN từ Singapore cũng tăng lên nhiều so với năm trước, nhưng chủ yếu là các nhà hoạt động thương mại kết nối với các DN sản xuất công nghê kỹ thuật cao trên toàn thế giới. Đáng chú ý là cũng có sự hiện diện của các DN trưng bày là Việt Nam. Điều này thể hiện các nhà sản xuất đã có thể hoàn toàn tin cậy vào khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị của các nhà phân phối thương mại Việt Nam khi hỗ trợ và giao cho các DN Việt Nam này tham gia trưng bày sản phẩm chính hãng.
Đã có nhiều năm gắn bó với ngành CNHT Việt Nam, ông có nhận định gì về sự phát triển của các ngành này; tương lai các nhành CNHT Việt Nam sẽ ra sao khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hoạt động...?
Thực tế đã có một số suy nghĩ lo ngại khi AEC hoạt động, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia trong khối Asean được dỡ bỏ hoàn toàn, ngành CNHT Việt Nam mất chỗ đứng và không còn điều kiện phát triển. Bản thân tôi cũng tin là sẽ có vài ba ngành rơi vào tình huống bất lợi này; nhưng nhìn chung thì AEC lại là một cơ hội rất tốt, rất thuận lợi cho CNHT Việt Nam phát triển.
Ví dụ trong ngành sản xuất xe máy, tại Việt Nam hiện nay đã có tới 90% chi tiết là sản phẩm nội địa, chỉ 10% nhập ngoại. Các sản phẩm nội địa từ Việt Nam có khả năng xuất khẩu và cạnh tranh với hàng Indonesia, Thái Lan... do giá thành sản xuất thấp hơn. Ngành sản xuất lắp ráp ôtô, Việt Nam đã có hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới hiện diện. Điều này cũng cho thấy khả năng tham gia tích cực hơn nữa vào lĩnh vực này. Vì hiện nay chỉ có Indonesia được coi là nơi sản xuất ôtô nhiều nhất khu vực Asean và chưa có đối thủ nào. Ngành điện tử ở Việt Nam hiện phải nhập ngoại tới 95% linh kiện hay chi tiết; trong khi đã có sự hiện diện của các nhà máy thương hiệu nổi tiếng toàn cầu với quy mô lớn. Các thương hiệu này cũng đang có sự chuyển dịch đưa các nhà máy của họ từ các quốc gia khác vào Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy các ngành CNHT Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn trong vài năm tới.
Thưa ông, ngoài những nhận định mà ông vừa trao đổi, ông còn có cơ sở nào để vững tin vào sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam và từ đó Reed Tradex vẫn đồng hành với CNHT Việt Nam?
Đầu tiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất công nghiệp. Chỉ riêng Nhật Bản thôi, năm 2014 đã có hơn 500 dự án FDI vào Việt Nam. Hơn ai hết, các nhà đầu tư này đã nhận ra sự thiếu hụt của ngành CNHT trong cung ứng các chi tiết hay linh kiện; nhưng việc này đã được cải thiện rất tích cực. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng nội địa từ Việt Nam chỉ đạt mức 22% vào 4 năm trước, năm 2014 đã tăng lên đạt mức 32% (tuy còn thấp so với Trung Quốc là 64%, Thái Lan là 53%). Chính phủ Việt Nam và các ngành hữu trách càng ngày càng quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát triển ngành CNHT này, nên đã có nhiều động thái, chủ trương và sự hỗ trợ. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Quốc hội Việt Nam đã nhận ra được tầm quan trọng của các DN trong nước và bắt đầu thảo luận nhằm đưa ra “Luật hỗ trợ DNNVV”, mà theo tôi, sự phát triển DNNVV bản địa là điều rất quan trọng để làm tăng tỷ lệ cung ứng nội địa.
Phạm Văn thực hiện