![]() |
Theo dự kiến, Luật PPP sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020. Tuy nhiên, tại tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” do VCCI tổ chức hôm 6/4, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật PPP còn những điểm "nghẽn" làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư.
Cơ chế chia sẻ rủi ro chưa công bằng
Đóng góp vào các vấn đề của dự thảo Luật PPP nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến nội dung cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của các dự án PPP.
Theo đó, tại dự thảo Luật PPP đề cập đến việc “Nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP chia sẻ với nhà nước 50% phần tăng doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên”.
Trong khi đó, Nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP 50% phần giảm doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng PPP. Trong đó, mức doanh thu cam kết tại hợp đồng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính.
So sánh giữa 2 quy định trên, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro trong Dự thảo Luật về PPP đang đẩy phần thiệt thòi hơn thuộc về phía các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
Theo đó, mức doanh thu mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước trong trường hợp tăng doanh thu sẽ cao hơn mức doanh thu mà Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp giảm doanh thu. Nói cách khác, chỉ chia sẻ rủi ro khi lỗi từ phía Nhà nước.
Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, trọng tài viên VIAC phân tích: “Trong khi cơ chế Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được áp dụng với những dự án PPP đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định (khoản 2 Điều 83) thì cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP một cách vô điều kiện”.
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho rằng, nếu quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP thì trường hợp giảm doanh thu, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp mà không cần xét đến các điều kiện tại dự thảo nêu.
Để đảm bảo công bằng, nhiều ý kiến cho rằng việc chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước chỉ nên áp dụng đối với một số loại hợp đồng PPP và đối với các dự án PPP có những lợi thế rõ rệt về tăng trưởng doanh thu ngay từ khi lập và phê duyệt dự án. Không áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu đối với các dự án PPP đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo… như một biện pháp ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đầu tư vào các địa bàn này.
Luật chưa giải quyết được vấn đề về vốn cho doanh nghiệp
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, là nhà đầu tư nhiều công trình giao thông, Đèo Cả rất quan tâm đến nội dung “Giám sát thực hiện hợp đồng trong giai đoạn đầu tư xây dựng” bởi vì một dự án PPP đảm bảo chất lượng, được nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả hay không thì vấn đề giám sát thực hiện hợp đồng dự án luôn phải được đặt ra và coi trọng cả từ hai phía trong hợp đồng.
Đơn cử như hợp đồng PPP với nhiều loại Hợp đồng khác nhau như hợp đồng BOT (Xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu- kinh doanh)…. Nhưng vẫn luôn tồn tại hai bên trong hợp đồng có quyền và nghĩa vụ với nhau nhằm thực hiện dự án.
"Để hoàn thành dự án thì việc giám sát thực hiện hợp đồng luôn phải xuất phát từ hai phía của hợp đồng để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của cả hai đồng thời tránh được cơ chế xin cho hiện nay”, ông Đức nêu ý kiến.
Về vấn đề huy động vốn đối với các dự án PPP, ông Đức cho rằng dự Luật chưa thực sự khơi thông và giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp.Cụ thể, dự luật quy định doanh nghiệp dự án được chào bán trái phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, việc áp dụng theo Luật Chứng khoán không khả thi đối với doanh nghiệp dự án.
Bởi theo quy định của dự luật PPP chỉ được thành lập để hoạt động mục đích duy nhất là thực hiện hợp đồng dự án.Trong khi đó, điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán thì doanh nghiệp phải có: “Hoạt động của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi”. Nhưng khả năng có lãi trước khi có nhu cầu huy động thêm vốn là không khả thi.
“Tôi cho rằng, dự luật cần bổ sung các quy định đặc thù hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn đối với các trình tự, thủ tục thực hiện việc chào bán trái phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra công chúng. Có như vậy việc huy động vốn mới có tính khả thi và thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư…” Ông Đức nói.
Hoàng Hà