![]() |
Hoạt động doanh thu vận tải tháng 5 giảm từ 30-60% so với hồi tháng 4/2021 do đại dịch Covid-19. |
Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang đối mặt với mức giảm doanh thu khá sâu, hầu hết các hãng đều giảm từ 30-60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các chi phí khác không hề giảm, thậm chí giá nguyên liệu đầu vào còn tăng.
Giảm doanh thu
Khảo sát qua một số tuyến phố quanh khu vực quận Nam Từ Liêm cho thấy, nhiều điểm đỗ xe với các loại xe từ 5 chỗ ngồi đến xe giường nằm đều "án binh bất động", thi thoảng thấy nhóm 2-3 tài xế taxi ngồi trong xe, trong bóng mát nhìn ra ngoài đường một cách buồn bã.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Đỗ Tuấn Minh, một tài xế lâu năm của hãng taxi Mỹ Đình cho biết, kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2021, lượng khách đi xe của anh giảm hẳn. Đặc biệt, vào những tháng dịch bùng phát mạnh như tháng 2, tháng 5, doanh thu hầu như chỉ bù đủ chi phí trả cho hãng.
“Năm 2020 tôi còn túc tắc để dư được 10-15 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết chi phí. Năm nay thì coi như ra bãi ngồi cho vui chứ không có đồng lãi nào”, anh Minh buồn rầu nói.
Anh Minh cho rằng mình còn may mắn bởi xe do gia đình anh mua, không phải vay lãi, trả góp. Nếu không với diễn biến dịch như hiện nay, cộng thêm giá xăng tăng thì chắc chắn phải bán xe.
Đây chỉ là một trường hợp trong số hàng ngàn tài xế taxi truyền thống cũng như công nghệ đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh. Đây cũng là một trong những lý do khiến hoạt động vận tải taxi tháng 5 giảm tới 60% so với tháng 4/2021.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tháng 5/2021, hoạt động vận tải hành khách từ Hà Nội đi liên tỉnh chỉ đạt 47% so với tháng 4/2021 và giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021. Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021.
Việc sản lượng và doanh thu sụt giảm dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn phải trả như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, BHXH, BHYT, BHTN... cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán đã gây ra nhiều áp lực.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, nên số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế. Do đó, sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch.
“Dù có doanh thu thì vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng. Đồng thời, tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh”, ông Quyền nói.
Cạnh tranh với xe ngoại tỉnh
Bên cạnh khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô do bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp vận tải taxi còn đối mặt với taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều ở Hà Nội, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp taxi Hà Nội khó càng thêm khó.
Ông Nguyễn Duy Hồng, đại diện Taxi Group cho biết, tại rất nhiều cuộc họp các doanh nghiệp đã kiến nghị với Hiệp hội Taxi Hà Nội về vấn đề này, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
“Taxi ngoại tỉnh vào Hà Nội hoạt động đã tạo ra nhiều bất cập trong cạnh tranh về phí, giá, lao động… nên cần phải hoạt động theo quy hoạch, nếu không sẽ phá vỡ trật tự”, ông Hồng cho hay.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp hoạt động vận tải gặp rất nhiều khó khăn, cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề về chính sách, pháp luật. Tại Nghị định 10 đã quy định rất rõ phương tiện taxi hoạt động tại địa phương nào thì phải xin cấp phép tại địa phương đó.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, muốn xử lý tận gốc vấn đề này, UBND TP. Hà Nội phải làm việc với UBND và Sở GTVT các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Nam... để cung cấp danh sách, từ đó rà soát lại toàn bộ phương tiện xem hoạt động ở đâu. Khi doanh nghiệp lấy phù hiệu mang về Hà Nội hoạt động thì có thực hiện nghĩa vụ thuế với địa phương không? Các địa phương quản lý các phương tiện này như thế nào?
Trước vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước đây một số doanh nghiệp vận tải lợi dụng kẽ hở của pháp luật đưa xe taxi cấp phù hiệu ngoại tỉnh vào hoạt động trên địa bàn thành phố do Hà Nội không cấp thêm phù hiệu. Tuy nhiên, việc xử lý những xe ở tỉnh ngoài vào đã gặp những khó khăn. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 10, vấn đề này đã được khắc phục.
"Sở GTVT đã báo cáo Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở xử lý nghiêm các trường hợp đưa xe vào Hà Nội không đúng quy định. Tại thời điểm hiện tại, khi chưa có phần mềm quản lý hoạt động vận tải thì việc xử lý thủ công sẽ khó khăn khi xác định phương tiện hoạt động trên địa bàn”, đại diện Sở GTVT nói.
Hải Sơn