Ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Nhìn lại năm 2017 có thể thấy sự khởi sắc của ngành nông nghiệp, đưa được nhiều sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu thành công trên thị trường quốc tế. Ngày trước, chúng ta chỉ chú trọng xuất khẩu lúa gạo. Ngày nay, dù không được đầu tư nhiều như lúa gạo nhưng xuất khẩu trái cây lại tốt hơn và còn rất nhiều tiềm năng.
Điều mong mỏi trong mùa xuân mới 2018 là làm sao để nông dân, nhà sản xuất nông lâm thuỷ sản với nhà bán buôn, bán lẻ gặp được nhau, dù là nông dân sản lượng ít hay các tập đoàn nông nghiệp có sản lượng cao.
Trong ngành nông nghiệp, quan trọng nhất vẫn là đầu ra. Nếu có đầu ra hợp lý thì nông dân sẽ giàu. Hy vọng trong năm mới, sẵn có đà khởi sắc của năm 2017, lĩnh vực nông sản sẽ tốt hơn nhiều.
Nông dân hiện nay cũng đã hiểu biết nhiều hơn, biết tiếp cận internet và có thể tự đi tiếp thị cho sản phẩm của mình. Cho nên nhận thức và tư duy của người nông dân bắt đầu thay đổi theo hướng thị trường ngày càng cao hơn nữa.
Về phía các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, dù có nhiều chủ trương rất hay, nhưng cần làm cách nào để những chủ trương đó có chế tài thật mạnh để đưa vào cuộc sống, nhằm giúp nhiều hơn nữa cho ngành kinh tế nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai - Giám đốc công ty CP tư vấn Thuế kế toán Luật Việt Á
Chúng tôi có điều ước trong năm mới 2018 là hãy lan toả ước mơ, hoài bão về hoạt động khởi nghiệp đến các thanh niên, lớp người trẻ. Các doanh nghiệp Việt cũng cần có cách nghĩ lớn hơn để từng bước một tạo ra sản phẩm có giá trị chất xám cao hơn để có thể tham gia vào chuỗi sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng đã dần dần thích nghi với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đã, đang hoặc sắp có hiệu lực. Chúng tôi vẫn mong các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam mạnh dạn “xuất ngoại” ở thị trường vừa sức mình như khu vực ASEAN, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp. Trong năm 2018, hy vọng khi đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần tạo ra góc nhìn xã hội tôn vinh giới doanh nhân. Với ội dung một số điều hướng dẫn liên quan đến Luật Doanh nghiệp đang dự thảo sửa đổi, hy vọng trong năm mới, khâu thủ tục sẽ dễ dàng hơn để lập công ty.
Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phát triển nhiều hơn, vừa gia tăng số lượng vừa gia tăng về mặt chất lượng.
Mọi hoạt động liên quan đến doanh nghiệp đều có liên quan đến yếu tố con người. Cho nên, trên nền tảng kiến tạo, niềm vui của doanh nghiệp chúng tôi là mang lại sự hài lòng cho các bên khách hàng, nhân viên, cổ đông cùng thực hiện các hoạt động cộng đồng.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Trong năm 2018, chúng tôi có kế hoạch quảng bá “Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập” tại một loạt hội chợ quốc tế lớn trên thế giới. Cụ thể, tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt tham gia Triển lãm – Diễn đàn về thực phẩm (The NGA show) từ 11/2 đến 14/2/2018 tại Las Vegas, Mỹ.
Tiếp đến là sự kiện Global Food Safety Conference 2018 vào tháng 3/2018 do GFSI tổ chức tại Nhật Bản. Ngoài ra, Hội còn tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt tham gia Thaifex 2018 (29/5- 2/6/2018) tại Băng Cốc, Thái Lan (do Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ủy quyền) và các sự kiện hội chợ ASD Market week (tháng 8/2018) tại Las Vegas (Mỹ). Hội chợ quốc tế thực phẩm SIAL (tháng 10/2018) tại Paris, Pháp.
Như tại Thaifex 2018, các doanh nghiệp Việt sẽ được làm việc với các nhà mua hàng, phân phối tại Thái Lan. Hội sẽ tổ chức khảo sát thị trường và cung cấp thông tin thị trường cùng phân tích các cơ hội thị trường cho doanh nghiệp hoặc nhận yêu cầu của doanh nghiệp để tổ chức việc đáp ứng trước khi diễn ra hội chợ. Mặt khác, chúng tôi sẽ kết nối, làm việc và tham quan cơ sở thực tế của một số doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu tại Thái Lan.
Về Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập”, chúng tôi tập trung làm hai công việc: Thứ nhất là liên kết hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế để “Thừa nhận lẫn nhau”. Thứ hai là quảng bá ra thế giới qua các tổ chức chức năng, xúc tiến, các hiệp hội quốc tế là đối tác, các hệ thống phân phối các nước.
Bà Trần Thị Kim Nhung - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Kim Đồng Thuận
Hiện nay, các đối tác nước ngoài đang phát triển mạnh tại Việt Nam, trong khi cộng đồng doanh nghiệp Việt lại theo cách “đóng cửa tự chơi”, liên kết còn rời rạc. Các liên kết hiện nay đa phần là theo quan điểm khoe thành tích nhiều hơn là chia sẻ kinh nghiệm hoặc dìu các sản phẩm của nhau để cùng phát triển.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tự bơi và trông chờ vào các “hỗ trợ” từ phía Nhà nước. Nên chăng, cần phát triển mạnh sợi dây liên kết ở các câu lạc bộ doanh nghiệp, tổ chức các lớp học trong nước và ngoài nước để doanh nghiệp tiếp cận và học hỏi doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu nói về xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay, giá cả hay chất lượng đều phải cạnh tranh rất mệt mỏi từ các nước lân cận. Đôi khi, giá người nông dân trồng và giá bán ra ngang bằng với giá vận chuyển ra nước ngoài, điều này làm sự cạnh tranh về giá càng khốc liệt. Trong khi đó, giá vận chuyển các nước thấp hơn nhiều so với vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế tại Việt Nam.
Về mong muốn trong năm mới, tôi vẫn muốn có chính sách hỗ trợ về vận chuyển đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, để giá cả của doanh nghiệp mình cạnh tranh hơn so với thị trường các nước. Điều này sẽ giúp mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm Việt Nam xuất khẩu.
Như doanh nghiệp của tôi, ngoài việc làm sao cho chất lượng nông sản đáp ứng được nhu cầu thị trường, vừa tìm kiếm khách hàng, vừa chăm sóc các hợp tác xã, xã viên, nông dân, phải vừa đào tạo kỹ thuật cho họ để theo kịp tiến độ sản xuất, lại vừa đi đến các ban ngành theo lũy kế ngày tháng năm để xin duyệt các chính sách.
Tất cả chỉ nhằm mục đích có con đường vào cánh đồng cho nông dân thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hóa đối lưu, nhằm kéo được điện vào cánh đồng cho thuận lợi việc gieo trồng canh tác và bảo quản hàng hóa trong sản xuất.
Thực tế, còn quá nhiều khó khăn, nếu nông nghiệp Việt Nam vẫn theo lối mòn cũ, cách giải quyết cục bộ. Ngoài ra, trong năm mới này, chúng tôi mong được tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng quy trình sau chế biến hoặc áp dụng gieo trồng theo công nghệ cao để đẩy mạnh chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Mết - Tổng Giám đốc công ty XNK phân phối thực phẩm MET FOODS
Bước sang năm mới, theo tôi, doanh nghiệp Việt cần chủ động hội nhập, đổi mới tư duy và lèo lái doanh nghiệp mình theo xu hướng phát triển chung của thế giới, của thời đại Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, cần phải lấy yếu tố con người trong doanh nghiệp đóng vai trò quyết định… Các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như xử lý thật nặng, minh bạch và công khai những doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh không đạt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong năm mới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm mong các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giúp hàng hoá thực phẩm chất lượng và đạt tiêu chuẩn sạch đến với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc công ty TM Đầu tư Thành Thái Gia, Chủ nhiệm CLB Sales
Thời gian qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải nghĩ xa hơn là sản phẩm hay dịch vụ của mình sẽ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước. Việc kinh doanh của các doanh nghiệp Việt phải luôn thay đổi, mạnh mẽ sáng tạo sản phẩm đến việc tiếp cận thị trường, người tiêu dùng.
Từ kinh nghiệm bán hàng (Sales) nhiều năm nay, tôi cho rằng chiến lược Sales của các doanh nghiệp nên phải thay đổi mạnh mẽ từ cách nhìn từ bên trong công ty. Hãy nhìn toàn thể nhân viên công ty và nhân viên kinh doanh như là nhân viên Chiến lược chứ không phải nhân viên Bán hàng, Bảo vệ hay nhân viên văn phòng… Hãy cho họ cơ hội được góp ý xây dựng và bán hàng với ứng dụng Công nghệ mới 4.0, ví dụ như APP cho Sales.
Trong năm mới 2018, tôi rất mong các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau trong việc bán hàng để giảm nhiều chi phí cho nhân sự (ví dụ nhân viên Phát triển thị trường cà phê cũng có thể phát triển thị trường khác như: Cacao, Matcha, Bột trái cây…cùng trong một quán cà phê).
Về mặt chính sách, Nhà nước nên tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thêm các kênh bán hàng mới từ các hội đoàn để đưa hàng Việt đến tận người tiêu dùng. Tạo cho mỗi địa phương từ cấp xã, phường đến cấp quận, huyện có một nơi trưng bày sản phẩm chung của chính doanh nghiệp trên địa bàn đó để người tiêu dùng có thể tin tưởng khi mua hàng ở các đại lý.
Ngoài ra, phải luôn có chính sách giảm thuế cho các sản phẩm mới ra thị trường và truyền thông cho các doanh nghiệp Startup đến người tiêu dùng tốt nhất thông qua hội đoàn.
Thế Vinh thực hiện