Ngày 12/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của (PVN), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương những nỗ lực của tập thể NLĐ dầu khí đã khắc phục khó khăn, thách thức đạt và vượt sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, trong bối cảnh giá dầu chưa hồi phục và uy tín của PVN bị giảm sút do cơ quan chức năng đang xử lý những sai phạm trong quản lý kinh tế của những người tiền nhiệm.
Vượt lên chính mình
Chưa năm nào hoạt động dầu khí thăng trầm như năm 2017. Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối, dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.
Không có nhiều các phát hiện mới có giá trị thương mại, phần lớn đều là các phát hiện dầu khí có trữ lượng nhỏ, giá thành cao, trong khi giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến không có thêm các giếng khoan khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng đang ngày càng giảm.
Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) Từ Thành Nghĩa cho biết: Trong 3 năm qua, Vietsovpetro đã cắt giảm tới 1.600 NLĐ để giảm chi phí. Nhưng tâm lý e ngại vì lo sợ vi phạm pháp luật khi thực thi nhiệm vụ, bị hồi tố đang bao trùm các hoạt động của ngành này khiến gần như các hoạt động đầu tư, thu xếp vốn cho các dự án đều trở nên đình trệ.
Trong 2 năm 2016 - 2017, Vietsovpetro chỉ đưa được 2 mỏ mới vào khai thác (năm 2016 đưa mỏ Thiên Ưng; năm 2017 đưa giàn Thỏ Trắng - 3 mỏ Thỏ Trắng vào khai thác). Mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí cũng đạt thấp nhất trong nhiều năm gần đây và không đạt mục tiêu đề ra.
Nếu so với mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành đề ra, thì mỗi năm ở trong nước phải gia tăng trữ lượng 20 - 30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài 8 - 12 triệu tấn/năm (tổng cộng cả trong và ngoài nước là 28 - 42 triệu tấn/năm).
Các năm 2016 và 2017 đều không hoàn thành chỉ tiêu này và đạt ở mức thấp. Năm 2016 gia tăng trữ lượng dầu khí chỉ đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4 triệu tấn quy dầu.
Hàng loạt dự án đang trong quá trình thực hiện cũng không vay được vốn ngân hàng, do hệ số tín nhiệm của PVN và các đơn vị thành viên đi xuống. Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn thừa nhận: 2017 có thể nói là năm khó khăn nhất đối với PVN trong suốt chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển.
Bên cạnh những khó khăn về đầu tư, thị trường, giá dầu, việc thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền đồng loạt xử lý các vấn đề tồn tại của tập đoàn đã khiến uy tín và mức tín nhiệm của tập đoàn bị giảm sút, gây khó khãn trong công tác thu xếp và giải ngân vốn đầu tý và trong mọi mặt hoạt động của PVN.
![]() |
Giàn khoan PVDrilling-V
Ổn định sản xuất, tái cơ cấu bền vững
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra những thách thức và hạn chế lớn của PVN, nếu không sớm khắc phục sẽ ngày càng trì trệ. Bên cạnh những khó khăn khách quan, những hạn chế yếu kém do chủ quan như trình độ KH-KT&CN còn hạn chế, năng lực quản trị chưa theo kịp với trình độ phát triển.
Thời gian qua, nhiều dự án quan trọng của ngành dầu khí có quy mô đầu tư lớn đều bị chậm tiến độ đưa vào sử dụng khiến hiệu quả đầu tư thấp. Ngành dầu khí có 5 trên tổng số 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, cùng với các dự án nhiệt điện quy mô lớn đang bị chậm tiến độ là nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu.
Phó Thủ tướng yêu cầu tới đây ngành dầu khí phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm đưa các dự án vào vận hành, không để thất thoát lãng phí.
Để phát triển bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành dầu khí phải tập trung toàn lực tái cơ cấu. “Trong khó khăn, PVN phải nhìn lại mình, đây vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để Tập đoàn phát huy truyền thống, bản lĩnh của ngành để nhanh chóng khắc phục những khó khăn, ổn định sản xuất, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới”.
2018 được xem là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016 - 2020) theo nghị quyết đại hội Đảng XII.
Ngành dầu khí cần đổi mới theo hướng nâng cao vai trò quản trị DN, ứng dụng KH-KT để phát triển những lĩnh vực cốt lõi, trước mắt cần tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh nhưng phải đi đôi với việc chống thất thoát, lãng phí cả hữu hình và vô hình; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quản lý tốt.
Trong năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị PVN triển khai hiệu quả 8 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về kế hoạch SX-KD và đầu tư phát triển của tập đoàn đến năm 2020, như phát triển đồng bộ các khâu từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, gia tăng trữ lượng, đầu tư các dự án mới như dự án khí lô B, mỏ Cá Voi Xanh, phát triển các khu vực nước sâu xa bờ, tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên theo lộ trình đã định.
Hồng Quân