Tại hội thảo “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Trần Hoàng Yến, Giám đốc Chuỗi Cung ứng của Nestlé Việt Nam cho biết chuyển đổi số là một trong các ưu tiên của Nestlé nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi này bao trùm toàn bộ cơ chế vận hành của công ty, bao gồm chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận tại hội thảo “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững”. |
Các tính toán của Nestlé cho thấy, đến 95% tổng lượng khí nhà kính của tập đoàn đến từ chuỗi giá trị, gồm các hoạt động như chăn nuôi - trồng trọt và cung ứng, vận tải hàng hóa… Chính vì thế, chuyển đổi số chuỗi cung ứng không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà còn đóng góp cho việc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero) được Tập đoàn Nestlé đặt ra. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường được Tập đoàn Nestlé triển khai nhiều sáng kiến trong chuyển đổi số chuỗi cung ứng.
Cụ thể, Nestlé Việt Nam đang đầu tư chuyển đổi số cho toàn bộ hoạt động logistics nhằm giúp kết nối với thị trường toàn cầu trong hoạt động xuất nhập khẩu, và tối ưu hóa vận chuyển, phân phối hàng hóa trong thị trường nội địa. “Đối với hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng của Nestlé nói chung, duy trì vận hành thông minh là cốt lõi để đem đến sự linh hoạt và kết nối cho doanh nghiệp. Số hóa giúp cung cấp dữ liệu chính xác và chất lượng, cùng các báo cáo rất chi tiết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội giảm chi phí và tăng hiệu suất của chuỗi cung ứng”, bà Nguyễn Trần Hoàng Yến cho biết.
Hiện Nestlé Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đến hơn 40 thị trường trên thế giới, trong đó mỗi thị trường có các yêu cầu khác nhau. Chính vì thế, công ty đã đầu tư chuyển đổi số để hỗ trợ sự kết nối giữa nhà sản xuất với nhà cung ứng, vận chuyển, khách hàng. Trong đó, từ năm 2022, Nestlé Việt Nam triển khai ứng dụng thông minh mang tên Cargoo nhằm kết nối giữa nhà sản xuất với nhà nhập khẩu, và các hãng tàu. Nền tảng này giúp theo dõi trạng thái của toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các đối tác cho từng đơn hàng, truy xuất thông tin lô hàng khi có nhu cầu, thực hiện đặt chỗ với hãng tàu, và quản lý xuyên suốt bộ chứng từ xuất nhập khẩu.
Hiện 14 hãng tàu đã được tích hợp trong nền tảng này, giúp các nước xuất khẩu thực hiện đặt chỗ nhanh hơn, đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn, và các nước nhập khẩu cũng có thể theo dõi các đơn hàng đã mua, và tập trung giải quyết vấn đề khi cần. Đây là bước đi số hóa để tập đoàn nói chung và Nestlé Việt Nam nói riêng tìm kiếm cơ hội tăng hiệu suất đóng hàng, giảm chi phí vận tải biển.
Đối với thị trường nội địa, Nestlé Việt Nam áp dụng các ứng dụng thông minh trong quản lý kho và vận chuyển (Tranportation-Hub). Cụ thể, từ cách đây 2 năm, Nestlé Việt Nam đã số hóa hệ thống trung tâm vận chuyển hàng hóa, thay đổi vận hành của công ty từ việc nhận đơn hàng, phân bổ vận chuyển cho đến vận hành kho, và theo dõi hoạt động giao hàng đến tay khách hàng. Việc phân bổ đơn hàng một cách tự động giúp tối ưu việc vận chuyển, như ghép các đơn hàng nhỏ để kết hợp vận chuyển trong cùng 1 chuyến xe, rút ngắn tổng quãng đường di chuyển giúp giảm phát thải trong hoạt động vận tải, góp phần vào lộ trình Net Zero.
Ngoài ra, “Analytics” đã và đang trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động phân tích và dự báo để lên kế hoạch và ra quyết định của phòng kinh doanh, phòng kế hoạch và tài chính. Trong thời gian tới, Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên tiến hành tham gia thử nghiệm và phát triển giải pháp phân tích cao cấp nhằm tăng độ chính xác cho việc dự báo, lên kế hoạch trên toàn chuỗi cung ứng, giúp ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Chiến lược giúp công ty nâng cao mức độ phục vụ khách hàng, luôn đảm bảo nguồn cung trên thị trường.
Ông Phan Văn Chinh – Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác”.
Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.
Đ.A