Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Quốc hội chỉ đồng ý đưa một điều trong Luật Doanh nghiệp về tiêu chí, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội và giao Chính phủ quy định cụ thể các giải pháp chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.
Nghị định 96/2015 của Chính phủ đã tiến thêm một bước quy định chi tiết hơn về: chính sách phát triển doanh nghiệp xã hội; tiếp nhận viện trợ, tài trợ; đăng ký doanh nghiệp xã hội; công khai, chấm dứt cam kết của doanh nghiệp xã hội; chuyển đổi, chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, trách nhiệm của chỉ doanh nghiệp,...
Cần có chính sách hỗ trợ hoạt động hiệu quả hơn với các mục tiêu trợ giúp các hoạt động xã hội đồng thời với hoạt động kinh doanh. |
Đến nay, sau 5 năm thực hiện các chính sách nêu trên, dường như các doanh nghiệp xã hội có vẻ không mấy mặn mà với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành dường như còn hành chính, chưa linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp.
Bởi vì, các doanh nghiệp xã hội phải là các doanh nghiệp đã có lợi nhuận và dành 51% lợi nhuận để tái đầu tư cho các mục đích xã hội, nên các doanh nghiệp khởi nghiệp không được hưởng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội.
Lần này, Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị bổ sung hỗ trợ thủ tục pháp lý để doanh nghiệp xã hội thành lập và sớm đi vào hoạt động an sinh xã hội, về từ thiện. Nghị định 96 cũng có hướng dẫn chuyển đổi các cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội, nhưng hầu như không có cơ sở nào quan tâm việc chuyển đổi, vì hoạt động như hiện tại thu hút tài trợ dễ hơn, ít bị kiểm soát hơn doanh nghiệp xã hội.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động thì đã có mục tiêu đầu tư, kinh doanh được xác định từ khi thành lập doanh nghiệp, nên không có nhiều doanh nghiệp lựa chọn chuyển hướng đầu tư cho hoạt động xã hội.
Khi có nhiều lợi nhuận và muốn hỗ trợ hoạt động xã hội, doanh nghiệp thường lựa chọn cách làm từ thiện xã hội thay vì phải đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội để được hưởng cách chính sách ưu đãi, để không phải thực hiện thủ tục với các cơ quan nhà nước, dành thời gian, công sức để tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức đóng góp 51% lợi nhuận, đề nghị hạ thấp tỷ lệ này xuống để thu hút doanh nghiệp xã hội và đó phải là lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cho rằng cần duy trì tiêu chí 51% lợi nhuận để tái đầu tư vào mục tiêu xã hội để bảo đảm doanh nghiệp xã hội hoạt động đúng mục đích, sử dụng một phần lợi nhuận thu được để tái đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng để thu hút tài trợ, viện trợ rồi chia hết cho các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp.
Đồng thời, với việc quy định tiêu chí cho doanh nghiệp xã hội, Luật cần có các chính sách ưu đãi cụ thể đối với một số lĩnh vực như: y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, sử dụng lao động là những người sau cai nghiện, sau chấp hành hình phạt tù,… để giúp đỡ các đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng, góp phần cùng Nhà nước giải quyết vấn đề của xã hội.
Cơ chế quản trị doanh nghiệp, thủ tục cấp phép, đấu thầu, ưu đãi thuế xã hội cũng cần có quy định khác biệt với doanh nghiệp thông thường thì mới có thể khuyến khích được doanh nghiệp xã hội phát triển.
Minh Khuê