Chuyển đổi kép (chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh) đang là xu hướng chung của toàn cầu mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Theo đó, chúng ta dự kiến mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.
Công nghệ là cốt lõi
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vào cuối năm 2023 đã từng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiện nay gặp phải nhiều thách thức đến từ: năng suất lao động thấp, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, cải cách thể chế chưa bắt kịp, sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, phát triển nhanh dẫn đến ô nhiễm môi trường…
Theo TS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được thì nhất thiết phải có sự thay đổi, đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho con người, đầu tư cho nghiên cứu để phát triển xanh. Tích hợp chuyển đổi xanh và số hóa vào chiến lược phát triển dài hạn là động lực giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững.
Điển hình như, nhà máy ô tô Vinfast đã sử dụng hơn 1.200 robot trong dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất và độ chính xác. Dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất, tự động hóa cao làm tăng khả năng sản xuất, góp phần đưa thương hiệu VinFast vươn tầm thế giới. Tự động hóa trong quy trình sản xuất nhờ robotics và hệ thống tự động đã giúp tăng tốc độ sản xuất, giảm sai sót do con người, và cho phép hoạt động liên tục 24/7.
Nhà máy ô tô Vinfast sử dụng 1.200 robot công nghiệp. |
Nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Công ty thực phẩm Masan đã tối ưu hóa được công thức sản phẩm, cải thiện hương vị và chất lượng. Hệ thống thị giác máy tính giúp Massan phát hiện lỗi sản phẩm nhanh chóng và chính xác hơn con người. Bên cạnh đó, AI có thể phân tích dữ liệu sản xuất để đề xuất cải tiến quy trình.
Để tạo mẫu giày mới, Công ty giày dép Biti's đã sử dụng in 3D. Công nghệ này giúp Biti’s rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, nó cho phép tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh với chi phí thấp.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để đào tạo nhân viên vận hành các thiết bị phức tạp trên giàn khoan. Việc áp dụng VR giúp cho việc đào tạo của PVN trở nên an toàn và hiệu quả.
Còn Công ty cà phê Trung Nguyên đang thử nghiệm blockchain để truy xuất nguồn gốc cà phê, đảm bảo chất lượng từ nông trại đến cốc cà phê. Còn FPT Software dùng điện toán đám mây để quản lý dự án và hợp tác với khách hàng toàn cầu, tăng hiệu quả làm việc.
Chuyển đổi kép để phát triển bền vững
Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh là giải pháp đối với xu thế phát triển giúp doanh nghiệp không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xác định việc đưa chuyển đổi kép vào chiến lược phát triển, trong đó có một số doanh nghiệp đang thực hiện và đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi kép. Quá trình chuyển đổi xanh, Vinamilk xây dựng trang trại bò sữa sinh thái, áp dụng công nghệ biogas để tái sử dụng chất thải; sử dụng năng lượng mặt trời tại các nhà máy và trang trại; triển khai "Chuỗi cung ứng xanh" nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Vinamilk đã xây dựng một lộ trình đến Net Zero 2050 với 4 lĩnh vực trọng tâm và 3 cột mốc giảm khí nhà kính. Trong 10 năm (từ 2010 đến 2020), tổng doanh thu tăng trưởng kép của Vinamilk đã tăng 12,7% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng kép tăng 10,9%.
Trang trại bò sữa của Vinamilk áp dụng công nghệ biogas để tái sử dụng chất thải |
Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT đã thực hiện chuyển đổi kép một cách ấn tượng. Doanh nghiệp xây dựng trụ sở "xanh" theo tiêu chuẩn LEED, triển khai chương trình "Vì một Việt Nam xanh" với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, FPT đã phát triển các giải pháp công nghệ như AI, Big Data, Cloud Computing; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến FUNiX; triển khai chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp và Chính phủ.
Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ cao, ứng dụng mới vào chuyển đổi kép là điều dễ dàng với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn mơ hồ và loay hoay trong việc áp dụng chiến lược chuyển đổi kép này do hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ cũng như mức độ quan tâm không lớn.
Theo TS Chử Đức Hoàng, doanh nghiệp nhỏ họ sẽ không đủ nguồn lực để áp dụng công nghệ mới, bắt buộc sẽ phải kết hợp thông qua dịch vụ, thông qua chuỗi công nghệ của các doanh nghiệp lớn khác để có thể tận dụng được, hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy đổi mới cho doanh nghiệp phát triển lên.
Còn đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Hoàng cho rằng cần phải tập trung vào công nghệ lõi của mình, tạo ra công nghệ mang tính toàn cầu, để từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ để từ đó phát triển, chuyển giao cho thị trường toàn cầu.
Theo ông Ông Bùi Quang Duy, Chuyên gia đầu tư của Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu, việc quan trọng là nâng cao nhận thức cho DNNVV và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ. Các bên liên quan bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức phi chính phủ cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để chia sẻ trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Anh Đức